An sinh xã hội:

Kiểm soát việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Theo daibieunhandan.vn

Thực hiện chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), người bệnh đã được hưởng nhiều lợi ích như được chọn bệnh viện tốt hơn, gần hơn... Tuy nhiên, thực tế triển khai chính sách này cũng bộc lộ không ít bất cập, gây bội chi quỹ khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế khám, chữa bệnh ban đầu.

Cán bộ BHXH hướng dẫn thủ tục khám, chữa bệnh BHYT. Nguồn: internet.
Cán bộ BHXH hướng dẫn thủ tục khám, chữa bệnh BHYT. Nguồn: internet.
Theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, từ ngày 1/1/2016, người có thẻ BHYT được khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, không bị giới hạn bởi nơi đăng ký ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng BHYT.
Với quy định này, người có thẻ BHYT thuận lợi hơn rất nhiều khi không cần giấy chuyển viện vẫn được khám, chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến. Các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh cũng thuận lợi hơn vì không cần xác nhận tạm trú hay giấy công tác.
Để thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế sẽ phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, triển khai kỹ thuật cao, thay đổi thái độ phục vụ, giảm phiền hà về thủ tục hành chính. Điều này đã tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Những thuận lợi từ thông tuyến khám, chữa bệnh đã góp phần tạo động lực để người dân tham gia BHYT, hướng tới nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì quy định về việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT cũng đã bộc lộ nhiều bất cập.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, từ khi thực hiện thông tuyến, số lượt người bệnh đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã giảm, trong khi số lượt khám, chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện tăng lên rất nhiều.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 6/2016, các cơ sở y tế tư nhân có số lượt khám, chữa bệnh thông tuyến tăng 100 - 200%. Chưa kể, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế cũng đã xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau để thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh.

Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cũng cho biết, việc giảm số lượt người khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã không chỉ ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước là hướng về y tế cơ sở, mà còn làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh do tăng số lượt khám, chữa bệnh ở tuyến trên, trong khi chi phí tại tuyến xã không giảm.

Qua khảo sát cho thấy, nhiều trạm y tế được đầu tư tốt, có bác sĩ làm việc tại trạm nhưng mỗi ngày chỉ có 4 - 5 bệnh nhân BHYT đến khám chữa bệnh làm lãng phí nguồn lực. Trong khi số lượt khám, chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện lại tăng lên rõ rệt, đặc biệt là ở các cơ sở y tế tư nhân dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh.

Để hạn chế những bất cập phát sinh từ việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, thời gian tới, ngành BHXH sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trong vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các phòng khám có số lượt khám, chữa bệnh để bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh và thanh toán đúng quy định nhằm hạn chế xảy ra tình trạng lạm dụng việc khám, chữa bệnh để trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

Đồng thời, các cơ sở y tế tuyến xã, phường, thị trấn cần được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị, bổ sung nguồn nhân lực để thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên.

Mặt khác, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đối với người dân, cơ sở khám, chữa bệnh về mục đích, ý nghĩa của việc thông tuyến để góp phần vào việc sử dụng và cung cấp dịch vụ y tế đúng quy định.