Kiểm toán Nhà nước sửa đổi Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán
Trong giai đoạn hiện nay, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đang tập trung sửa đổi tất cả các mẫu biểu trong Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán (MBHSKT) để đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.
Hoàn thiện Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán
Theo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán - đơn vị được lãnh đạo KTNN giao chủ trì soạn thảo Hệ thống MBHSKT, việc sửa đổi mẫu biểu được thực hiện nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Trên cơ sở đó, Hệ thống MBHSKT được rà soát sửa đổi với việc bổ sung các mẫu biểu còn thiếu và lược bỏ các mẫu biểu không cần thiết.
Cụ thể, các mẫu biểu còn thiếu được đề xuất bổ sung, như: Báo cáo kiểm toán DN dưới 50% vốn nhà nước; Báo cáo kiểm toán xác định giá trị DN khi cổ phần hóa; Báo cáo kiểm toán quyết toán phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Đồng thời, lược bỏ các mẫu và gộp các mẫu biểu bị trùng lặp như gộp 9 mẫu quy định tại hướng dẫn đối chiếu nghĩa vụ nộp NSNN với người nộp thuế còn 3 mẫu; lược bỏ các nơi nhận tại các văn bản không cần thiết; lược bỏ các phụ biểu, nội dung không cần thiết.
Trong đó, việc sửa đổi được tập trung vào một số mẫu biểu chính. Cụ thể, mẫu Đề cương khảo sát sẽ lược bỏ mục các nội dung trùng lặp; phần thông tin cần thu thập theo các phụ lục của Kế hoạch kiểm toán (KHKT) bảo đảm sự kết nối thống nhất với KHKT. Ở phần thông tin khác, chỉ bổ sung các thông tin không có trong báo cáo để đảm bảo ngắn gọn. Tương tự, mẫu KHKT sẽ được rà soát bổ sung các phụ lục theo hướng dẫn phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; gộp các biểu chọn các dự án, DN... vào các biểu thông tin thu thập bằng cách bổ sung thêm một cột “lựa chọn kiểm toán”; bổ sung thêm các hướng dẫn trong từng phần để có thể áp dụng linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể.
Đối với mẫu Báo cáo kiểm toán, các phụ lục kèm theo, như: Phụ lục kiến nghị kiểm toán được đưa lên trước và được trình bày thống nhất giữa các lĩnh vực, được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên; bổ sung hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục kiến nghị xử lý tài chính và Phụ lục kiến nghị khác.
Tại mẫu Biên bản kiểm toán sẽ bỏ phần ý kiến của Tổ kiểm toán. Theo đó, phần nội dung này được trình bày tại Thông báo kết quả kiểm toán để bảo đảm thống nhất với các kết luận, kiến nghị kiểm toán tại Báo cáo kiểm toán. Phần cuối Biên bản được sửa thống nhất theo mẫu và áp dụng chung cho các biên bản.
Đối với mẫu KHKT chi tiết thì sửa phần căn cứ xây dựng KHKT chi tiết cho phù hợp với quy trình kiểm toán; phù hợp với hướng dẫn đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu khi kiểm toán tại đơn vị; lược bỏ các thông tin đã có trong KHKT tổng quát. Tương tự, mẫu Thông báo kết quả kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán chi tiết được đề xuất sửa phần căn cứ cho phù hợp. Mục kiểm toán báo cáo tài chính, bổ sung thêm phần ý kiến xác nhận về tính trung thực hợp lý. Rà soát sửa đổi Phụ lục xác nhận quyết toán để phù hợp với Chế độ kế toán hiện hành theo từng lĩnh vực.
Ngoài ra, một số mẫu hồ sơ chung cũng được rà soát lược bỏ các thủ tục, phụ lục không cần thiết để giảm thủ tục hành chính và phù hợp với các nội dung sửa đổi tại KHKT, Báo cáo kiểm toán; đồng thời rà soát thể thức để trình bày mẫu biểu cho khoa học, phù hợp hơn.
Góp phần triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải, sau khi Luật KTNN sửa đổi năm 2019 được Quốc hội thông qua, KTNN đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiệm vụ đưa Luật vào cuộc sống; trong đó có nhiệm vụ rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật. Việc sửa đổi Hệ thống MBHSKT - một trong những loại văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của KTNN - nhằm góp phần triển khai Luật.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm, sau nhiều lần rà soát, điều chỉnh, Hệ thống MBHSKT đã thể hiện tính đồng bộ, phù hợp với quy định của Luật KTNN sửa đổi, bổ sung.
Thứ nhất, các mẫu biểu liên quan đến phân công kiểm toán phải phân kỳ thời gian, ghi chép nhật ký kiểm toán hằng ngày, kết quả kiểm toán và việc xử lý các phát hiện kiểm toán phải được hồ sơ hóa, đáp ứng được yêu cầu kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm đảm bảo tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán. Nội dung này được xây dựng đảm bảo kết quả kiểm toán phải được minh bạch (thực hiện khoản 4, Điều 1 và Điều 13 “Tổ chức các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán, phòng chống tham nhũng trong nội bộ KTNN” của Luật KTNN sửa đổi, bổ sung.
Thứ hai, sửa đổi một số mẫu như Kế hoạch kiểm tra, đối chiếu và Biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán phải do Trưởng đoàn phải duyệt; Trưởng đoàn lập Thông báo kết quả kiểm toán và Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán; Báo cáo kiểm toán phải có Trưởng đoàn ký (thực hiện khoản 6, Điều 1 của Luật KTNN sửa đổi, bổ sung và điểm b, khoản 1, Điều 39 sửa đổi: Trưởng đoàn duyệt kế hoạch kiểm tra đối chiếu, duyệt Biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán, lập thông báo kết quả kiểm toán và thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán, ký vào Báo cáo kiểm toán).
Thứ ba, sửa mẫu Báo cáo kiểm toán kết cấu thành 3 phần (đánh giá xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán); phần Kết luận kiểm toán quy định rõ chỉ kết luận các nội dung sai khi có đầy đủ bằng chứng thích hợp. Ngoài Phụ lục kiến nghị kiểm toán, phải có Phụ lục thuyết minh kiến nghị nêu rõ nội dung sai sót, số liệu, điều khoản văn bản pháp lý để các cấp kiểm soát thực hiện chức năng soát xét để đảm bảo chặt chẽ; bổ sung thêm mẫu Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán cho các đơn vị có liên quan (thực hiện khoản 11, Điều 1 của Luật “cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan được nhận Thông báo kết luận kiểm toán, kiến nghị kiểm toán bằng văn bản của KTNN” và khoản 3, Điều 11 của Luật sửa đổi, bổ sung “Đơn vị được kiểm toán, các tổ chức, cá nhân có liên quan được khiếu nại về đánh giá xác nhận, kết luận, kiến nghị trong Báo cáo kiểm toán, Thông báo kết quả kiểm toán, Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán”).
Theo đánh giá của đơn vị chủ trì soạn thảo, việc sửa đổi Hệ thống MBHSKT đang đảm bảo đúng tiến độ, cũng như bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng của KTNN theo quy định tại Điều 9 Luật KTNN sửa đổi, bổ sung “Đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghi kiểm toán đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Dự kiến, sau khi được ban hành và áp dụng, Hệ thống MBHSKT sửa đổi sẽ góp phần khắc phục những hạn chế của các mẫu biểu hiện hành, từ đó góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán cũng như đưa quy định của Luật KTNN sửa đổi, bổ sung vào cuộc sống.