Kiểm toán nội bộ giúp minh bạch hóa hoạt động quản trị tài chính công

Theo Đức Minh/Thời báo Tài chính Việt Nam

Kiểm toán nội bộ là cơ chế đảm bảo nội bộ hết sức thiết yếu trong kiểm soát tài chính công, góp phần nâng cao chất lượng và minh bạch hóa hoạt động quản trị tài chính công, cũng như hiệu quả, chất lượng thông tin tài chính nhà nước trong khu vực công.

Đại diện Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tham dự hội thảo tại đầu cầu Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh
Đại diện Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tham dự hội thảo tại đầu cầu Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh

Ngày 4/11/2021, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo trực tuyến “Giới thiệu sổ tay Hướng dẫn triển khai công tác kiểm toán nội bộ” tới hơn 500 đại biểu là đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, các trường đại học trên cả nước.

Ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cho biết, tại điều 39 của Luật Kế toán năm 2015 đã quy định về hoạt động kiểm toán nội bộ của các đơn vị.

Để hướng dẫn thi hành Luật Kế toán, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019, trong đó quy định các tỉnh, thành phố, bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô lớn phải thực hiện kiểm toán nội bộ.

Các đơn vị đã thực hiện các quy định về kiểm toán nội bộ, từ đó tổ chức các bộ máy kiểm toán nội bộ phù hợp với từng đơn vị, tổ chức, phù hợp với nguồn nhân lực trên điều kiện thực tế; với nguyên tắc chung là không tăng bộ máy, hạn chế chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị hoạt động tại các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố.

Kiểm toán nội bộ là cơ chế đảm bảo nội bộ hết sức thiết yếu trong kiểm soát tài chính công và là công cụ theo dõi, đánh giá hoạt động quản lý của từng đơn vị trước khi có đánh giá từ các kiểm toán viên bên ngoài; đồng thời giúp cung cấp thông tin thực cho lãnh đạo về hiệu quả, hiệu suất hoạt động của tổ chức, đơn vị công.

Để hướng dẫn triển khai kiểm toán nội bộ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67/2020/TT-BTC về việc ban hành Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 08/2021/TT-BTC quy định về chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam và các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ.

Cục trưởng Vũ Đức Chính cho rằng, kiểm toán nội bộ là hoạt động mới mà các đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, yêu cầu thực tiễn dẫn đến nhu cầu về tài liệu hướng dẫn cụ thể hơn, gắn với thực tế hơn, phù hợp với tổ chức hoạt động của từng loại hình đơn vị.

Do đó, để hỗ trợ UBND cấp tỉnh, các cơ quan ngang bộ, WB đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng 2 cuốn sổ tay Cẩm nang hướng dẫn kiểm toán nội bộ tại các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đây là các tài liệu đã căn cứ thông lệ tốt của quốc tế, quy định pháp luật của Việt Nam, điều quan trọng là gắn với điều kiện thực tiễn của các đơn vị. Tài liệu này do các chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn triển khai kiểm toán nội bộ ở các nước trong khu vực và trên thế giới tổ chức thực hiện.

“Bộ Tài chính đánh giá cao và cho rằng đây là tài liệu rất hữu ích, nếu được phát triển thêm sẽ phù hợp với các loại hình đơn vị" - ông Vũ Đức Chính cho biết.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán Bộ Tài chính, hoạt động kiểm toán nội bộ là hoạt động mới, nhiều đơn vị chưa có kinh nghiệm, yêu cầu thực tiễn dẫn đến nhu cầu về các tài liệu hướng dẫn cụ thể hơn, thực tế hơn, gắn với từng loại hình tổ chức, đơn vị. Kiểm toán nội bộ nâng cao chất lượng và minh bạch hóa hoạt động quản trị tài chính công, cũng như hiệu quả, chất lượng thông tin tài chính nhà nước trong khu vực công.

Phát biểu tại hội thảo, ông Sily Sissoko - Giám đốc phụ trách về tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WB, cho rằng kiểm toán nội bộ mạnh sẽ tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng nguồn lực công, cũng như là nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công.

Kiểm toán nội bộ là cơ chế đảm bảo nội bộ hết sức thiết yếu trong kiểm soát tài chính công và là công cụ theo dõi, đánh giá hoạt động quản lý của từng đơn vị trước khi có đánh giá từ các kiểm toán viên bên ngoài; đồng thời giúp cung cấp thông tin thực cho lãnh đạo về hiệu quả, hiệu suất hoạt động của tổ chức, đơn vị công

"WB hy vọng, việc triển khai sổ tay Hướng dẫn triển khai công tác kiểm toán nội bộ thành công sẽ tăng cường cải thiện chất lượng của chi tiêu công tại Việt Nam" - ông Sily Sissoko bày tỏ.

Tại hội thảo, các chuyên gia của WB đã chia sẻ những kinh nghiệm triển khai thực tế, đồng thời làm rõ hơn, hướng dẫn cụ thể hơn các nội dung: mục tiêu, phạm vi kiểm toán nội bộ tại các đơn vị tương ứng; chiến lược, kế hoạch, quy trình tổ chức kiểm toán nội bộ; các báo cáo đột xuất, báo cáo định kỳ của bộ phận kiểm toán nội bộ với cấp có thẩm quyền; đồng thời phân tích hơn các đạo lý, căn cứ của kiểm toán nội bộ trong phòng ngừa rủi ro và gian lận...