Kiểm tra việc sử dụng tiền nơi tâm linh

Theo Đức Nghiêm/thoibaonganhang.vn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phối hợp với các đơn vị như chi cục quản lý thị trường, công an, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng.

Người dân ngày càng hiểu thêm về việc không dùng tiền lẻ khi đi lễ hội, đền chùa. Nguồn: thoidai.vn
Người dân ngày càng hiểu thêm về việc không dùng tiền lẻ khi đi lễ hội, đền chùa. Nguồn: thoidai.vn

Nếu như khoảng 5 năm trở về trước khi đến các lễ hội, đền chùa đều bắt gặp hiện tượng người dân “rải” tiền ở rất nhiều ban trong chùa, thậm chí còn cài tiền vào cả tay tượng phật rất phản cảm nơi tâm linh.

Đặc biệt, loại tiền mà người dân sử dụng khi đi lễ đền, chùa đều là tiền mệnh giá nhỏ, rơi xuống đất, thậm chí bị dẫm lên tiền, thiếu văn hóa trong sử dụng đồng tiền và gây khó khăn cho ban quản lý lễ hội trong việc kiểm đếm, bảo quản.

Thậm chí theo cán bộ của chi nhánh NHTM tại Bắc Ninh, nhiều năm vào cuối mùa lễ hội, do lượng tiền lẻ, mệnh giá nhỏ quá nhiều nên ban quản lý các đền, chùa không thể kiểm đếm được mà phải nhờ nhân viên ngân hàng mang máy đếm tiền vào tận nơi để hỗ trợ nên mất rất nhiều thời gian. Nhưng vài ba năm gần đây với chủ trương của NHNN không in tiền mới mệnh giá nhỏ, cùng công tác thanh tra giám sát, kết hợp tuyên truyền của các cấp, các ngành liên quan và địa phương đã giúp cho việc sử dụng tiền lẻ tại các đền chùa đạt được những kết quả tích cực.

Bà Đào Thị Phượng – Phó giám đốc NHNN Bắc Ninh cho biết, có thể dễ nhận thấy là khi đi lễ hội, đền chùa không còn hiện tượng tiền mệnh giá nhỏ rơi vãi khắp nơi, cho thấy về văn hoá, ý thức người dân cũng thay đổi. Ở góc độ công tác chuyên môn về quản lý tiền tệ, nếu như những năm trước đây gần như sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, số lượng tiền lẻ quay về kho ngân hàng rất nhiều, thì vài năm gần đây, sau Tết số lượng tiền lẻ mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống quay lại kho của NHNN rất ít.
Về mặt xã hội, từ thực tế cho thấy việc không phát hành tiền lẻ mới in vào dịp Tết Nguyên đán nhận được sự đồng thuận cao của xã hội trên địa bàn tỉnh với ngành Ngân hàng. Trong những năm gần đây, sự vào cuộc cũng như được sự ủng hộ của các cấp, ngành thì người dân cũng hiểu thêm về việc không dùng tiền lẻ khi đi lễ hội, đền chùa.

“Chủ trương của NHNN trong việc không in tiền mới mệnh giá nhỏ về cơ bản đã được xã hội ghi nhận. Trong thời gian tới, chúng tôi tin tưởng chủ trương này sẽ tiếp tục được người dân ủng hộ để tiết kiệm kinh phí cho nhà nước” – bà Phượng chia sẻ.

Không chỉ nhìn ở góc độ văn hóa sử dụng đồng tiền được nâng lên mà với việc không in tiền mới mệnh giá nhỏ cũng có ý nghĩa về mặt kinh tế. Bởi theo thống kê của NHNN, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán đến nay đã tiết giảm chi phí gần 2.200 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng.

Việc hạn chế dần phát hành tiền lẻ, mệnh giá nhỏ từ phía ngân hàng chỉ là một phần làm giảm cung tiền mệnh giá nhỏ, giúp người dân ý thức hơn khi sử dụng tiền đi lễ chùa nhưng để triệt để việc sử dụng tiền lẻ thì vẫn còn gian nan. Theo báo cáo tổng kết về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thì vẫn còn xảy ra những hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc tại một số lễ hội. Cùng với đó, hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Cái Lân (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh); đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn), Đền Cô Bơ (Hà Trung), tỉnh Thanh Hóa; Đền Bảo Hà (Lào Cai)…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết, mùa lễ hội năm 2017 vẫn còn những vấn đề tồn tại nên ngay từ đầu năm 2018 Bộ đã có văn bản chỉ đạo địa phương kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh liên quan đến công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
Ngoài những vấn đề thường xuyên của tổ chức lễ hội như: An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông thì vấn đề quản lý đổi tiền lẻ không đúng quy định cũng được xử lý nghiêm… “Năm nay Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương có những vấn đề nổi cộm trong quản lý, tổ chức lễ hội 2017 phải có giải pháp triệt để xử lý”, bà Thủy nhấn mạnh.

NHNN cũng vừa ban hành công văn số 726 yêu cầu tất cả NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia (Napas) tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Trong đó, NHNN sẽ phối hợp với các đơn vị như chi cục quản lý thị trường, công an, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng.

Ông Nguyễn Thành Lập – Trưởng Ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho cho biết, thực hiện các văn bản của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, NHNN Việt Nam về việc trao đổi tiền lẻ đối với đền Bà Chúa Kho, chúng tôi quán triệt không được phép đổi tiền lẻ trong khuôn viên đền. Bên cạnh đó, ban quản lý cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên loa để khách về lễ đền nên chuẩn bị sẵn kinh phí, để đồng tiền đến chỗ tâm linh sao cho hợp lý, chứ không nhất thiết phải nhiều tiền lẻ.