Quyết liệt thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước Tết
Ngày 6/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018, trước mắt là cao điểm trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, chỉ tính riêng trong năm 2017, Bộ NN&PTNT đã tăng cường chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn.
Theo đó, hầu hết các địa phương đã triển khai vận động, hỗ trợ sản xuất nông lâm thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến nay đã có 1.406 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng 18,2 nghìn ha, trong đó rau là 3.443 ha; quả là hơn 11.813 ha; khoảng 500 cơ sở nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi trồng là 2.618 ha được cấp chứng nhận VietGAP.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, tính đến đầu năm 2018, trên cả nước đã có 63/63 tỉnh, TP xây dựng thành công được 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó có 382 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm kiểm soát ATTP theo chuỗi.
Chính từ kết quả này, cả năm 2017 đã không có sự cố lớn về ATTP xảy ra, góp phần quan trọng vào tăng trưởng nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như xuất khẩu thịt gà sang Nhật; vải, nhãn, xoài sang Úc; vú sữa sang Hoa Kỳ. Đặc biệt là thị trường EU đã giảm tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 20% xuống còn 10% đối với thanh long nhập khẩu của Việt Nam.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong năm 2018, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lỷ ATTP; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Qua đó giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong SXKD trong nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, Bộ NN&PTNT phấn đấu cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017; tỷ lệ cơ sở SXKD nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2017.
Với những mục tiêu này, ngay trong thời điểm trước, trong và sau tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung nguồn lực chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo ATTP, nhất là đối với nhóm sản phẩm tươi sống. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra đối tượng SXKD, giết mổ nhỏ lẻ; các trang trại, hộ sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hóa chất, kháng sinh.