Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trước "bóng ma" lạm phát
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho biết thông tin về hoạt động điều chính sách tiền tệ trong bối cảnh đối mặt với "bóng ma" lạm phát.
Đảm bảo an toàn cho hệ thống
Cụ thể, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, từ đầu năm đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động rất phức tạp, khó lường.
Tới đây, diễn biến dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, chẳng hạn như việc Fed tăng lãi suất liên tục trong 2 tháng vừa qua, đồng USD tăng giá mạnh, lạm phát trên toàn cầu, các nước Anh, Mỹ lạm phát lên đến 8,9%...
Trong bối cảnh ấy, NHNN nhận định điều quan trọng nhất là phải kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho nền kinh tế.
Đối với hoạt động ngân hàng, mục tiêu điều hành của ngành Ngân hàng là phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân.
Về lãi suất, NHNN cho biết lãi suất trên thế giới đang tăng rất mạnh, có 196 lượt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam tương đối ổn định, chỉ tăng 0,2% so với đầu năm. Thời gian vừa rồi, lãi suất đang chịu áp lực tăng. Tín dụng 7 tháng đầu năm tăng 9,14%, nghĩa là cầu tín dụng đã tăng lên, trong khi nguồn huy động vốn của ngân hàng chỉ tăng 4,21%, tạo áp lực tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá, để ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối, không thể giảm lãi suất được, vì giảm nghĩa là đồng Việt Nam rẻ, dẫn đến chuyện găm giữ ngoại tệ.
Thống đốc cho biết, vừa qua NHNN cũng phải điều tiết lãi suất ngắn hạn cũng như là tiền tệ phù hợp, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối. Thời gian tới, NHNN sẽ theo sát diễn biến để kết hợp đồng bộ và nhuần nhuyễn với liều lượng hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đây là điểm tạo niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối nhà nước của Việt Nam được củng cố trong thời gian vừa qua. NHNN điều tiết hợp lý, sẵn sàng bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Tuy nhiên, thời gian tới, khi thị trường cải thiện, NHNN sẽ điều tiết và có thể tiếp tục mua.
Điều hành bám sát diễn biến thực tế
Theo NHNN, trước năm 2011, tín dụng là kênh cung ứng vốn chủ lực cho nền kinh tế, tăng rất nhanh, tỉ lệ tín dụng/GDP cũng tăng nhanh; gây bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao ở mức 2 con số, an toàn hệ thống tài chính bị đe dọa nghiêm trọng (bong bóng giá bất động sản, chứng khoán).
Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, rủi ro thanh khoản gia tăng rơi vào “vòng xoáy” đua lãi suất huy động nguồn vốn để cho vay, nợ xấu tăng cao... đặt hệ thống ngân hàng trước nguy cơ tiềm ẩn đổ vỡ.
Thời điểm đó, các tổ chức quốc tế (IMF, WB và Moody’s) cảnh báo việc nới lỏng tín dụng, nợ xấu gia tăng, căng thẳng thanh khoản giai đoạn này đã đe dọa nghiêm trọng sự ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống.
“Đây là bài học sâu sắc cho ngành ngân hàng sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, hệ lụy để lại hết sức nặng nề, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các TCTD vẫn còn tiếp tục kéo dài đến nay” - NHNN cho biết.
Do đó, NHNN đã thực hiện giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng định hướng toàn ngành và giao Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng TCTD nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Từ năm 2011 đến nay, theo NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm, cá biệt có năm tăng 53,8% xuống khoảng từ 12 - 14%/năm trong những năm gần đây. Từ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định dưới 4%.
Về điều hành tín dụng năm 2022, NHNN cho biết, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Chỉ tiêu tăng trưởng định hướng 14% được NHNN xây dựng trên tình hình tăng trưởng tín dụng thực tế của năm 2021 (tăng 13,61%, cao hơn mức 12,17% của năm 2020); mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%, lạm phát khoảng 4% và dự toán ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 34/2021/QH15.
Thống đốc NHNN nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là ở bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay là việc điều hành chính sách tiền tệ, vĩ mô, bao gồm tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, chính sách quản lý giá… đều phải đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chung vì an toàn quốc gia.