Kiến nghị điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới

Thùy Linh

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Tờ trình gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Hiện nay thị trường cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới có 281 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thuộc nhiều thành phần kinh tế,
Hiện nay thị trường cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới có 281 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thuộc nhiều thành phần kinh tế,

Cần thiết quy định Nhà nước định giá tối đa giá dịch vụ kiểm định xe

Ngày 27/6/2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) có Tờ trình số 2397/TTr-ĐKVN trình Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành.

Đánh giá hiện trạng thị trường cung cấp dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành (gọi tắt là dịch vụ kiểm định xe cơ giới), sự cần thiết phải xem xét, điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới, đồng thời căn cứ quy định pháp luật về giá, Cục ĐKVN đã xây dựng các phương án xác định mức giá điều chỉnh và đề xuất Bộ GTVT, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ chấp thuận áp dụng hình thức Nhà nước định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới và xem xét, ban hành thông tư quy định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo Bộ GTVT, tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, Chính phủ đã điều chỉnh thẩm quyền quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới là Bộ GTVT, nhưng chưa điều chỉnh về hình thức nhà nước định giá đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo báo cáo của Cục ĐKVN, hiện nay thị trường cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới có 281 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thuộc nhiều thành phần kinh tế, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, tại các vùng miền khác nhau, trong đó các trung tâm thuộc khối tư nhân, đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là 192/281 đơn vị (chiếm 68,3% tổng số các trung tâm đăng kiểm).

Sau khi Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã được mở rộng, số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới có thể sẽ được tăng lên đáng kể do có sự tham gia của các Trung tâm 3S/4S.

Khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh rộng hơn về cung cấp dịch vụ, giá cả theo cơ chế thị trường. Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới thì theo từng khu vực, vùng miền sẽ có chi phí cấu thành giá dịch vụ khác nhau (thuê đất, chi phí nhân công, khấu hao thiết bị, chi phí quản lý...).

Về nguyên tắc kinh tế thị trường, Nhà nước không nên cố định một mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới áp dụng cho nhiều loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm trên toàn quốc.

Do đó, Bộ GTVT thấy rằng việc điều chỉnh hình thức định giá hiện nay đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ “Nhà nước định giá cụ thể” sang “Nhà nước định giá tối đa” là cần thiết, phù hợp với thực tiễn hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chủ động đưa giá mức giá phù hợp, tiếp cận thị trường.

Đồng thời, kiến nghị “Nhà nước định giá tối đa” này cũng phù hợp với quy định tại Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Sửa theo trình tự thủ tục, rút gọn

Sau khi có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cho ý kiến về việc điều chỉnh hình thức định giá hiện nay đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ "Nhà nước định giá cụ thể" sang "Nhà nước định giá tối đa," ngày 11/8/2023, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời Bộ GTVT.

Theo Bộ Tài chính, Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 quy định Bộ GTVT quy định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải bao gồm: dịch vụ đăng kiểm phương tiện giao thông, các tổng thành, hệ thống linh, kiện, phụ tùng của phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển; phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng; máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trong GTVT và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên dùng.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT căn cứ quy định pháp luật hiện hành để quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo thẩm quyền. Đối với kiến nghị về hình thức định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới, trường hợp Bộ GTVT đề xuất áp dụng hình thức nhà nước định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm định phương tiện kiểm định xe cơ giới thì cần báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi Nghị định số 30/2023/NĐ-CP theo quy định.

Trước đó, ngày 13/7, Bộ Tư pháp cũng có công văn trả lời Bộ GTVT, nêu rõ: Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: "Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó" (khoản 1, Điều 12). Nghị định số 149/2016/NĐ-CP quy định hình thức định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới là mức giá cụ thể; trường hợp thay đổi hình thức định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cần ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 149/2016/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với quy định trên và thực hiện đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật."

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 149/2016/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn để điều chỉnh hình thức nhà nước định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ "Nhà nước định giá cụ thể" sang "Nhà nước định giá tối đa" cho phù hợp với thực tiễn hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chủ động đưa giá mức giá phù hợp, tiếp cận thị trường và quy định tại Luật Giá số 16/2023/QH15.