Kiến nghị sớm đền bù cho nhà dân bị nứt khi thi công dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm
Người dân phản ánh, đơn vị thi công Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đoạn qua xã Suối Cát đã làm hư hỏng, nứt tường nhà một số hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tập đoàn Sơn Hải thi công Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đoạn qua xã Suối Cát đã làm hư hỏng, nứt tường nhà một số hộ dân.
Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay đơn vị thi công chưa đền bù hỗ trợ cho người dân khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc. Do đó, các cử tri Khánh Hoà kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Trong nội dung trả lời các cử tri công bố ngày 3/7, Bộ Xây dựng cho biết nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa liên quan đến nhà bị nứt do ảnh hưởng trong quá trình thi công đường đầu cầu Tuyến nối TL3, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Dự án do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh là đại diện Cơ quan có thẩm quyền, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang Cam Lâm là chủ đầu tư (Doanh nghiệp Dự án).
Dự án được triển khai từ tháng 9/2021 theo hình thức đối tác công - tư và đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 19/5/2023.
Dẫn quy định tại khoản 41.1 Điều 41 Bảo hiểm công trình của Hợp đồng BOT và điểm h khoản 42.1 Điều 42 của Hợp đồng BOT, Bộ Xây dựng cho hay: “Việc thực hiện giải quyết các nội dung ảnh hưởng đến các công trình liền kề, công trình lân cận, bao gồm việc giải quyết các vấn đề liên quan đến các hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư (Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm)”.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (với chức năng, nhiệm vụ là đại diện cơ quan có thẩm quyền) đã có các văn bản đề nghị chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương, làm việc với người dân để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến kiến nghị của cử tri.
Trong đó, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh yêu cầu giải quyết các tồn tại liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công và thực hiện các công tác giám định, đền bù (nếu có) theo quy định, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.
Tuy nhiên, theo ý kiến của cử tri tỉnh Khánh Hòa, hiện nay các nội dung liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
“Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, chủ đầu tư khẩn trương tổ chức rà soát tình hình thực tế theo kiến nghị của địa phương, nghiêm túc thực hiện công tác giám định, chi trả, bồi thường dứt điểm cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo đúng thẩm quyền”, Bộ Xây dựng thông tin.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo chính quyền địa phương cùng phối hợp trong quá trình giám định xác định chi phí bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công, đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng các yêu cầu chính đáng của nhân dân, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện lâu dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49km; điểm đầu tại huyện Diên Khánh, điểm cuối tại TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa); tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm khởi công xây dựng từ tháng 9/2021, đưa vào vận hành khai thác từ ngày 19/5/2023. Trong giai đoạn đầu, dự án đầu tư xây dựng mặt đường rộng 17m cho 4 làn xe lưu thông với tốc độ từ 60 - 80km/h.