TP. Cần Thơ:

Ngân hàng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn

Theo Minh Huyền/ Báo Cần Thơ

Sau giai đoạn tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP. Cần Thơ mong chờ được khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, mong muốn được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, cơ cấu lại các khoản nợ vay để “dễ thở” hơn và yên tâm khi tái khởi động trong thời gian tới.

Các si lô dự trữ lúa gạo của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: Minh Huyền
Các si lô dự trữ lúa gạo của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Ảnh: Minh Huyền

Doanh nghiệp khó cân đối tài chính

Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Công ty hiện chỉ xuất khẩu được khoảng 25% kế hoạch với 28 container gạo trong tháng 8 và 4 container gạo đầu tháng 9. Công ty có kế hoạch xuất khẩu bằng tàu lớn với hơn 11.000 tấn, song đòi hỏi phải có đủ số lượng công nhân đóng gạo, xếp hàng lên sà lan đưa ra tàu lớn.

Do giãn cách xã hội nên việc điều động nhân công rất khó, Công ty buộc phải dời thời gian xuất hàng sang tháng 11. Ông Bình cho biết, xuất khẩu gạo cũng gặp những khó khăn tương tự như ngành thủy sản, may mặc và nhiều ngành hàng khác, khi không giao hàng được sẽ dẫn đến tình trạng tồn kho.

Hiện nay, vụ lúa thu đông đang bắt đầu thu hoạch, nếu nông dân không tiêu thụ được lúa sẽ gặp khó khăn. Các DN xuất khẩu lúa gạo cũng trong tình trạng đã thu mua đầy kho, có đơn hàng nhưng không xuất khẩu được nên chưa có tiền về để trả nợ, quay vòng vốn thu mua. Do đó, đối với các DN xuất khẩu gạo đã vay hết hạn mức, các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể xem xét tăng thêm hạn mức, bổ sung nguồn vốn vay kịp thời để DN thu mua lúa cho nông dân.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều DN trên cả nước đã rút khỏi thị trường, đa phần là DN tạm ngưng hoạt động do giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, cũng có những DN rút lui vĩnh viễn. Tại TP. Cần Thơ, tính đến ngày 11/9, số DN sản xuất tạm ngưng hoạt động chiếm đến 92% tổng số DN sản xuất của toàn Thành phố.

Ông Nguyễn Văn Hào - Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Cần Thơ, chia sẻ: Những DN tạm ngưng hoạt động, dù doanh thu không có nhưng vẫn phải gánh chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, đóng các khoản lãi vay, nợ ngân hàng, bảo hiểm xã hội… Vì thế, Hiệp hội đã đề nghị các NHTM thực hiện khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc lẫn lãi) đối với các DN đang tạm ngưng hoạt động theo Chỉ thị 16/CT-TTg cho đến khi DN hoạt động lại và có phát sinh doanh thu, lợi nhuận. Đồng thời, giảm lãi suất ngân hàng để DN có điều kiện phục hồi kinh doanh.

Theo ông Hào, từ ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã kịp thời ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thông tin này khiến DN rất vui mừng và Hiệp hội cũng kiến nghị với NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ chỉ đạo cho các NHTM nhanh chóng triển khai để hỗ trợ cho các DN trên địa bàn.

Cứu cánh kịp thời 

Theo NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ, tính đến cuối tháng 8, tín dụng trên địa bàn TP. Cần Thơ tăng 10,08% so với cuối năm 2020, trong đó cho vay lúa gạo dư nợ tăng đến 37,93%. Từ khi thực hiện giãn cách xã hội đến cuối tháng 8 tăng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng giảm trên 1% do DN ngưng hoạt động, số còn hoạt động thì nhu cầu vốn giảm và khả năng hấp thụ vốn của DN có khó khăn hơn. Riêng ngành gạo dư nợ tín dụng tăng khá tốt.

Các NHTM đã tăng hạn mức tín dụng cho DN xuất khẩu gạo để thu mua lúa cho nông dân theo chỉ đạo của NHNN và văn bản đề nghị của UBND TP. Cần Thơ. Đến ngày 10/9, theo số liệu thống kê tại 13 chi nhánh NHTM có dư nợ cho vay mua lúa gạo lớn trên địa bàn đạt 11.288 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay tín chấp (dư nợ không có tài sản đảm bảo hoặc được đảm bảo bằng hàng hóa, hàng tồn kho, khoản phải thu) chiếm 25,28%. Hạn mức cho vay thu mua lúa gạo chưa được giải ngân là 3.737 tỉ đồng. Hạn mức này không chỉ đảm bảo cho DN thu mua lúa gạo tại địa bàn TP. Cần Thơ mà còn thu mua thêm ở các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang…

Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, các DN xuất khẩu uy tín đều có vay tín chấp, vay bằng hàng hóa, hàng tồn kho… Các ngân hàng muốn giải ngân vốn phải tăng cường kiểm tra, giám sát hàng hóa tại DN. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, hạn chế đi lại giữa các địa bàn, nhân viên ngân hàng rất khó di chuyển đến nhà máy, kho chứa hàng hóa nên ngân hàng buộc phải cẩn trọng trong giải ngân. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, hoạt động lưu thông thuận lợi hơn, tiến độ giải ngân vốn chắc chắn sẽ được đẩy nhanh.

Chia sẻ về Thông tư 14, ông Hà nhấn mạnh: Thông tư 14 cho phép ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 30/6/2022, tức là thêm 6 tháng so với Thông tư 01. Thông tư 14 là cứu cánh không chỉ đối với DN mà cả ngành ngân hàng để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Từ nay đến cuối năm, NHNN Chi nhánh sẽ triển khai quyết liệt Thông tư số 14, tăng cường công tác kiểm tra các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện định lại kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để làm sao hỗ trợ DN tốt nhất có thể. Đối tượng áp dụng của Thông tư 14 là tất cả khách hàng vay ngân hàng trong thời gian quy định của Thông tư, từ người dân đến DN, đối với tất cả các khoản vay kể cả vay công ty tài chính.

Qua ghi nhận tình hình khó khăn của DN, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đề nghị NHNN Chi nhánh TP. Cần Thơ chỉ đạo, theo dõi các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho các thương nhân, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu mua, tạm trữ lúa gạo, trên địa bàn. Đồng thời quan tâm cơ cấu nợ, thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian áp dụng chính sách phù hợp với Thông tư 14 và diễn biến tình hình thực tế của thành phố.