Cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP:

Kiên quyết đối với các trường hợp cố tình làm sai lệch chính sách

PV.

“Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một con tàu hoạt động không hiệu quả, vì vậy, không chỉ riêng ngành Ngân hàng mà sự vào cuộc giải quyết vấn đề này một cách kịp thời của các địa phương và các bên liên quan cũng rất cần thiết để một chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ được thực hiện hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Trong quá trình triển khai cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã phát sinh không ít những khó khăn, vướng mắc, khiến nguy cơ nợ xấu tăng.
Trong quá trình triển khai cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã phát sinh không ít những khó khăn, vướng mắc, khiến nguy cơ nợ xấu tăng.

Cần có sự vào cuộc và hỗ trợ kịp thời của các địa phương

Nghị định 67/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014 với mục tiêu xuyên suốt là khuyến khích ngư dân bám biển, khuyến khích phát triển thủy sản. Trên cơ sở đó tổ chức lại nghề cá, tái cơ cấu ngành thuỷ sản, khuyến khích đóng tàu lớn, vững chắc để có thể khai thác xa bờ đúng với lợi thế từng địa phương, góp phần giúp ngư dân ổn định sản xuất, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và giữ vững chủ quyền biển đảo…

Triển khai chính sách hỗ trợ này, trong 4 năm qua, chi nhánh Agribank ở các tỉnh ven biển đã tích cực và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tiếp cận với khách hàng có nhu cầu vay vốn đóng tàu để tư vấn các lợi ích mà quy định Nghị định 67/2014/NĐ-CP đem lại cũng như các quyền lợi khi tiếp cận nguồn tín dụng Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Agribank.

Kết quả sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, Agribank đã cho vay trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng số 679 tàu, trong đó 622 tàu đóng mới nâng cấp và 57 tàu vay vốn lưu động, tổng dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 5.465 tỷ đồng. Số tàu vay đóng mới, nâng cấp do Agribank tài trợ đã chiếm hơn 50% tổng số tàu của Chương trình và gần 47% tổng dư nợ toàn Ngành về cho vay đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Kết quả trên phần nào đã kịp thời hỗ trợ nhu cầu về vốn của ngư dân, tuy nhiên, theo nắm bắt tình hình khách hàng tại các chi nhánh Agribank, trong quá trình triển khai cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã phát sinh không ít những khó khăn, vướng mắc, khiến nguy cơ nợ xấu tăng cao.

“Tỷ lệ nợ xấu quá lớn trong thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP không phải là vấn đề riêng của Agribank mà là thực trạng chung của các ngân hàng khác, do vậy Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Chính phủ về thực trạng này”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một con tàu hoạt động không hiệu quả. Thời gian qua, các địa phương đã vào cuộc rất tốt, tuy nhiên trước những khó khăn vướng mắc hiện nay cần có sự quyết liệt hơn nữa. 

Trong thực tế, với loại hình cho vay đặc thù này, nguồn thu nợ chủ yếu đến từ hoạt động khai thác và kinh doanh của chủ tàu nhưng nguồn thu nhập này lại khó kiểm soát, bởi do: Đây là nguồn thu không ổn định và có nhiều biến động. Sản lượng hải sản mỗi chuyến ra khơi phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và luồng cá. Nếu thời tiết tốt và gặp được luồng cá thì tàu sẽ thu được mẻ cá lớn. Ngược lại, thời tiết xấu, không gặp được luồng cá, không những thất thu mà con tàu và các thuyền viên còn gặp rủi ro lớn. Do đó, ngân hàng không thể ước lượng một con số cố định về sản lượng đánh bắt mỗi chuyến ra khơi; Hơn nữa cũng rất khó xác định dòng tiền để ghi chép, theo dõi trong hồ sơ. Do giá cả hải sản trên thị trường biến đổi hàng ngày và phụ thuộc vào tư thương. Đồng thời, đánh bắt ở ngư trường xa khiến ngư dân phải neo đậu ở các địa phương ngoài tỉnh nên ngân hàng rất khó khăn trong việc kiểm tra, quản lý dòng tiền sau khi ngư dân bán hải sản khai thác…

"Lo ngại tới đây tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng cao, vì vậy, không chỉ riêng ngành Ngân hàng mà sự vào cuộc giải quyết vấn đề này một cách kịp thời của các địa phương và các bên liên quan là rất cần thiết để một chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ được thực hiện hiệu quả", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

"Thời gian tới chúng ta cần phải có những xử lý kiên quyết, mạch lạc trọng vấn đề này, thậm chí phải "làm điểm" trong công tác xử lý để ngăn chặn tình trạng lôi kéo làm sai lệch chính sách", ông Nguyễn Văn Chung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản - Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu quan điểm.

Đề xuất có cơ chế xử lý rủi ro

Theo Phó tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, mặc dù phải đối mặt với nhiều trở ngại nhưng Agribank luôn xác định hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Thực vậy, từ kinh nghiệm liên tục bám sát địa bàn, tổng kết thực tiễn triển khai, Agribank đã kịp thời có nhiều giải pháp sát với tình hình, kịp thời tháo gỡ đễ nguồn vốn Nghị định số 67/2014/NĐ-CP được khơi thông. Tuy nhiên, đối với một chủ trương lớn lớn, quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, để giải quyết các khó khăn cần có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của các địa phương, các bộ, ngành.

Cụ thể, từ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, Agribank kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư số 114/2014/TT-BTC theo hướng cho phép các khoản điều chỉnh kỳ hạn trả nợ được hỗ trợ lãi suất để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn giảm bớt khó khăn để tiếp tục thực hiện việc khai thác đánh bắt; đồng thời, bổ sung nội dung về hỗ trợ lãi suất đối với cơ chế chuyển đổi chủ tàu, trong đó hướng dẫn các trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét đề xuất với Chính phủ có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù hỗ trợ ngân hàng và các chủ tàu trường hợp các chủ tàu hoạt động không hiệu quả, không có nguồn thu trả nợ, ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ...

Agribank cũng đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền để các chủ tàu hiểu rõ chính sách ưu đãi của Nhà nước, thực hiện đúng cam kết với ngân hàng, đồng thời hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xử lý và thu hồi nợ đối với các trường hợp chủ tàu chây ỳ, không hợp tác trong việc trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm.