Kiến tạo phát triển - Chìa khóa cải cách thành công
“Lâu nay, chúng ta chủ yếu tiến hành cải cách nhằm thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, thay vì có những cải cách mang tính căn cơ để chủ động tăng cả lợi ích tĩnh và lợi ích động dài hạn từ hội nhập… Do vậy, cần phải thay đổi theo hướng kiến tạo phát triển mới mong cải cách thành công”, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ.
Phóng viên: Thời gian gần đây, Chính phủ đã nỗ lực cải cách trên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội (KT-XH). Điều gì làm ông ấn tượng hơn cả?
TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. |
Trong hơn một năm qua, Chính phủ nói chung và Thủ tướng nói riêng đã có nhiều nỗ lực, với các mức độ khác nhau, để thực hiện các mục tiêu nói trên; trong đó, mục tiêu Chính phủ “hành động quyết liệt” là nổi bật hơn cả.
Sự quyết liệt ấy được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Mức độ quyết liệt, nhất quán của Chính phủ có thể thấy trong nhiều lĩnh vực.
Thứ nhất, cắt giảm, siết chặt kỷ luật chi tiêu công, đầu tư công và tăng thu trên một số lĩnh vực.
Thứ hai,tăng kỷ cương; xử lý nghiêm nhiều hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng cũng như sai phạm hiện tại và trong quá khứ của một số cán bộ, công chức; xử lý mạnh các sai phạm trong xây dựng, quy hoạch…
Thứ ba, kiên định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2017 để đạt kế hoạch.
Thứ tư, kích hoạt tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển. Thứ năm, thoái vốn nhà nước thông qua thị trường chứng khoán ở nhiều doanh nghiệp, gắn chặt hơn với niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Nỗ lực cải cách của Chính phủ đã phần nào cho thấy kết quả tích cực. Nhưng trên thực tế, tình trạng nhiều chi phí, quy định bất hợp lý vẫn còn là rào cản với cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?
Đây là thực tế và không dễ khắc phục trong thời gian ngắn, bởi liên quan đến vấn đề lợi ích nhóm trong khi nhận thức, thái độ và mức thu nhập của một bộ phận cán bộ, công chức còn thấp.
Hơn nữa, thông thường, cải cách càng “sâu” thì càng “động chạm” tới các lợi ích nhóm lớn hơn, mang tính “thâm căn cố đế” nên hiệu quả và hiệu lực thực hiện càng kém hơn.
Do vậy, cần cả một quá trình cải cách kiên định, với lộ trình, cách thức được thiết kế mang tính hệ thống, nhất quán và chuyên nghiệp thì mới dần mong có kết quả cao và bền vững.
Nguyên lý “cây gậy và củ cà rốt”
Theo ông, những thách thức nào đang đặt ra cho Chính phủ trong việc hiện thực hóa các nỗ lực cải cách hiện nay?
Mặc dù Chính phủ đã tạo được lòng tin trong dân chúng, công chức và cộng đồng doanh nghiệp, song thực tế, thách thức vẫn còn rất lớn. Hơn nữa, như tôi đã nói, cải cách càng sâu rộng càng động chạm mạnh hơn với lợi ích “cốt lõi” của các nhóm lợi ích tiêu cực, nghĩa là chịu sự “kháng cự” mạnh hơn, mang tính sống còn.
Nguồn lực, nhất là tài lực cho cải cách, củng cố và phát triển nhân lực còn hạn chế, thậm chí bị co hẹp. Thêm vào đó, việc thiết kế cải cách kinh tế trong thời đại hội nhập và tiến bộ mạnh mẽ về công nghệ đòi hỏi năng lực hoạch định, thiết kế thực thi chính sách cao hơn song chúng ta vẫn đang thiếu. Và cuối cùng, tham nhũng chưa được đẩy lùi; “sức ỳ” của bộ máy vẫn còn lớn.
Theo ông, đâu là giải pháp mấu chốt để Chính phủ cải cách thành công?
Các giải pháp mấu chốt để thực hiện thành công cải cách là định hướng lại thái độ và tăng năng lực, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức. Theo đó, phải tiếp tục nâng cao lòng tin của họ đối với Đảng, Chính phủ thông qua tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt như đã nêu.
Bên cạnh đó, phải tạo cơ chế thưởng, đãi ngộ và trừng phạt phù hợp về thu nhập và vị trí công tác để đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm làm việc và cống hiến. Cuối cùng, phải xây dựng được lộ trình, nội dung cải cách và thực thi cải cách có hiệu quả cao, phù hợp.
Lâu nay, chúng ta chủ yếu tiến hành cải cách nhằm thực hiện các FTA đã ký, thay vì có những cải cách mang tính căn cơ để chủ động tăng cả lợi ích tĩnh và lợi ích động dài hạn từ hội nhập… Do vậy, cần phải thay đổi theo hướng kiến tạo phát triển mới mong cải cách thành công, giúp đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp.
Vậy làm sao để xây dựng được năng lực kiến tạo phát triển như ông nói?
Để xây dựng được năng lực kiến tạo, ngoài những điều kiện để cải cách thành công như đã nêu thì phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên nghiệp và phải công tâm. Muốn vậy, phải áp dụng hữu hiệu nguyên lý “cây gậy và củ cà rốt”.
“Cây gậy” là những thiết chế, quy định phải đủ “dài” và nghiêm minh, còn “củ cà rốt” phải thực sự hấp dẫn mới phát huy tối đa hiệu quả làm việc và sự tận tâm cống hiến của cán bộ, công chức.
Đồng thời, phải tạo lập tốt các cơ chế chính sách tận dụng, phát huy được chất xám của các chuyên gia, nhà khoa học từ các tổ chức, tầng lớp để cùng nhau hiến kế cho Chính phủ trong việc ban hành các chính sách hữu hiệu.
Xin cảm ơn ông!