Kinh doanh nền tảng số chiếm lĩnh, dần thay thế mô hình truyền thống
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc xây dựng thế chế điều hành kinh tế nền tảng là điều các quốc gia đang nỗ lực thực hiện và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Tại tọa đàm "Vai trò của kinh tế nền tảng số đối với tương lai kinh tế Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhấn mạnh Việt Nam hiện ở trong một thời đại mà mô hình kinh doanh trên nền tảng số đang chiếm lĩnh và dần thay thế cho các mô hình truyền thống.
Với các lợi thế nổi bật như chi phí cận biên gần như bằng không trong sản xuất và phân phối; đồng thời, giá trị được tạo ra từ hiệu ứng mạng tích cực khi gia tăng sản xuất dẫn đến tiêu thụ nhiều hơn và ngược lại thì các mô hình nền tảng đang chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Hàng loạt ông lớn như Facebook, Google, AirBnB, Uber, Youtube, Amazon... đã tạo được những thành tựu đột phá nhờ những lợi thế nói trên.
Tuy nhiên, ông Thành bày tỏ băn khoăn liệu rằng những doanh nghiệp nền tảng như vậy có thực sự mang lại sự thịnh vượng cho các quốc gia hay không.
Nằm trong chuỗi toạ đàm về Kinh tế nền tảng số (Digital Platform Economy), tọa đàm thứ ba được tổ chức lần này sẽ tập trung làm rõ "Vai trò của kinh tế nền tảng số đối với tương lai kinh tế Việt Nam."
Tại đây, các chuyên gia sẽ phân tích và làm rõ những ảnh hưởng của kinh tế nền tảng số đến những chỉ báo cơ bản của nền kinh tế như tăng trưởng, lao động, lạm phát, thị trường tài chính, quá trình cải cách thể chế...
Theo GS,.TSKH. Hồ Tú Bảo, kinh tế số là khái niệm bao trùm tất cả mọi lĩnh vực như kinh tế nền tảng hay kinh tế chia sẻ. Nói cách khác, kinh tế nền tảng là nhánh cơ bản của kinh tế số. Theo dự báo, tới năm 2030, việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở cả ba mức thấp, trung và cao có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tăng từ 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương 7-16% GDP.
Tương tự như vậy, nhiều tổ chức quốc tế cũng nêu dự báo cho rằng nếu kịch bản tốt nhất xảy ra, Việt Nam thực hiện chuyển đổi số rộng khắp trên các ngành và xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ ICT thì GDP có thể tăng thêm 3.750 nghìn tỷ đồng trong 20 năm tới và tăng trưởng thêm 1,3% mỗi năm; trong đó, kinh tế nền tảng đóng vai trò không nhỏ.
Mặc dù vậy, việc đánh giá tác động của kinh tế nền tảng số đến tăng trưởng không hề đơn giản, bởi lẽ tiềm ẩn nhiều thành phần kinh tế phi chính thức, kinh tế ngầm tại các nền tảng số.
Phân tích những vấn đề cơ bản của kinh tế nền tảng và kinh tế số, TS. Nguyễn Đức Thành nêu trên thị trường tài chính, tiền tệ có xu hướng chuyển sang hình thức kỹ thuật số thông qua các nền tảng. Các mô hình kinh doanh lớn trên thế giới như Paypal, MasterCard Labs, Visa… tạo ra cách thức mới trong việc thực hiện giao dịch thanh toán và chúng đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Các ngân hàng cũng không ngừng áp dụng và cải tiến các nền tảng số được tối ưu hoá riêng cho mình để tham gia cuộc đua số hóa.
TS. Nguyễn Đức Thành dẫn chứng theo Vụ Thanh toán (thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tính đến tháng hết quý 2/2019, Việt Nam có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua mobile banking, 83,3 triệu tài khoản cá nhân, 226 triệu giao dịch qua Internet, 202 triệu giao dịch tài chính qua điện thoại di động. Những số liệu này cho thấy sự thâm nhập ngày càng sâu của các nền tảng số vào thị trường tài chính tiền tệ và dần thay đổi diện mạo, cách thức vận hành của thị trường này.
Bên cạnh sự phát triển của thị trường tài chính, tiền tệ với các nền tảng công nghệ là sự xuất hiện của một loạt các nền tảng công nghệ ở những lĩnh vực khác tại Việt Nam như Uber (vào năm 2015), Grab (năm 2016) hay Go-jek (năm 2018) đã thay đổi các thức vận hành của thị trường cũng như hành vi tiêu dùng. Vì lẽ đõ, hiện nay đang đặt ra không ít các vấn đề pháp lý như có nên đối xử với Grab và các nền tảng gọi xe trực tuyến như taxi truyền thống hay không và đây vẫn là một bài toán khó trong suốt tám năm qua.
Cùng với đó, một số các hoạt động kinh tế mới như cho vay ngang hàng với các nền tảng như Timma, Vaymuon và Mofin hoặc gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) cũng chưa được quản lý trong một hành lang pháp lý phù hợp.
Thảo luận tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc xây dựng thế chế điều hành kinh tế nền tảng là điều các quốc gia đang nỗ lực thực hiện và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Do vậy, sự lên ngôi của kinh tế nền tảng số trong những năm gần đây đã và đang thúc đẩy những công cuộc cải cách thể chế thực chất tại Việt Nam để đáp ứng tốc độ phát triển của công nghệ.