Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng khung pháp lý về quản trị công ty tại Việt Nam
Sau gần 17 năm phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, trong đó có sự thay đổi quan trọng trong việc áp dụng quản trị công ty (QTCT) theo thông lệ quốc tế của các công ty đại chúng (CTĐC)...
Về cơ bản, nội dung của các văn bản hướng dẫn về QTCT đã ban hành được xây dựng căn cứ trên điều kiện thực tiễn về pháp lý, thực trạng của doanh nghiệp và tham khảo kinh nghiệm quốc tế (ở đây là Bộ nguyên tắc QTCT tốt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD1).
Thứ nhất, nội dung văn bản quy định về QTCT xây dựng trên cơ sở Bộ nguyên tắc QTCT của OECD. Bộ nguyên tắc này được Hội đồng Bộ trưởng OECD phê chuẩn lần đầu vào năm 1999 và cập nhật lần thứ nhất vào năm 2004. Bộ nguyên tắc được các nước thành viên OECD đánh giá là chuẩn mực quốc tế cho các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, công ty và các bên có quyền lợi liên quan khác.
Bộ Nguyên tắc đã đẩy mạnh tầm quan trọng của QTCT và cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các sáng kiến pháp lý và quản lý ở các quốc gia thuộc OECD và cả các quốc gia ngoài OECD. Năm 2015, Bộ nguyên tắc đã được cập nhật lần thứ hai và được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo các nước G20 với tên gọi là “G20/Bộ nguyên tắc quản trị của OECD”.
Bộ nguyên tắc bao gồm 6 nguyên tắc về QTCT, cụ thể: (1) Đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ QTCT hiệu quả; (2) Quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng giữa các cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; (3) Nhà đầu tư có tổ chức, TTCK và các tổ chức trung gian; (4) Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong QTCT; (5) Công bố thông tin (CBTT) và tính minh bạch; (6) Trách nhiệm của Hội đồng quản trị (HĐQT).
Bộ 06 nguyên tắc này hiện nay được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để xây dựng hệ thống quy định và nguyên tắc về QTCT của quốc gia.
Thứ hai, về việc đảm bảo tính phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, khoản 2 Điều 28 Luật Chứng khoán quy định về nguyên tắc QTCT của CTĐC, bao gồm 04 nguyên tắc: (1) Bảo đảm cơ cấu quản trị hợp lý; bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát; (2) Bảo đảm quyền lợi của cổ đông, những người có liên quan; (3) Bảo đảm đối xử công bằng giữa các cổ đông; (4) Công khai, minh bạch mọi hoạt động của công ty.
Về cơ bản, các nguyên tắc về QTCT quy định tại Luật Chứng khoán được xây dựng trên cơ sở Bộ nguyên tắc QTCT của OECD. Trên cơ sở Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn về QTCT do Bộ Tài chính ban hành tuân thủ quy định tại Luật này nhưng vẫn đảm bảo sự tiếp thu thông lệ phổ biến về QTCT tốt trên thế giới.
Thứ ba, theo thông lệ phổ biến của các quốc gia có TTCK phát triển, Luật Doanh nghiệp (hoặc Luật Công ty) chỉ đưa ra các quy định về QTCT mang tính nguyên tắc hoặc các quy định QTCT đảm bảo việc tuân thủ tối thiểu. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán - hoặc các Sở Giao dịch Chứng khoán xây dựng một bộ nguyên tắc về QTCT có tính chất định hướng thực hiện cho các doanh nghiệp.
Bộ nguyên tắc có thể được xây dựng theo một trong các hình thức sau: (1) bắt buộc; (2) tuân thủ hoặc giải trình; (3) tự nguyện. Hiện nay, đa số các quốc gia trên thế giới đều xây dựng bộ nguyên tắc theo mô hình (2), theo Cơ sở Dữ liệu Bộ Quy tắc QTCT của Ngân hàng Thế giới có 65/113 quốc gia xây dựng theo mô hình này.
Hiện nay, trong bối cảnh pháp lý và thực tiễn doanh nghiệp Việt Nam, hướng dẫn về QTCT có tính đặc thù bao gồm 02 nhóm nội dung chính: nhóm nội dung mang tính quy định bắt buộc phải thực hiện và nhóm nội dung mang tính nguyên tắc để đảm bảo tính khả thi của việc thực thi QTCT tốt tại doanh nghiệp.
Như vậy, có thể nói, Việt Nam đã có 01 hệ thống văn bản pháp quy đồng bộ, tương đối đầy đủ để làm cơ sở thực thi QTCT cho các doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2014 là luật xây dựng khung pháp lý gồm những quy định cơ bản về QTCT dành cho các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam.
Trong khi đó, Luật Chứng khoán đưa ra các nguyên tắc cơ bản về QTCT, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) ban hành các văn bản chi tiết, hướng dẫn về quản trị áp dụng đối với CTĐC. Như đã nêu ở trên, hiện nay Chính phủ đang xây dựng Nghị định hướng dẫn về QTCT áp dụng đối với CTĐC để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, phù hợp với quy định pháp luật hiện nay.
Các thông lệ quốc tế về QTCT tốt đang được tiếp thu khi xây dựng văn bản hướng dẫn về QTCT liên quan đến nhiều vấn đề như quyền cổ đông, vai trò của HĐQT, quy định về CBTT, giao dịch với bên liên quan. Trong đó, những nội dung liên quan đến tư cách thành viên HĐQT và xung đột lợi ích có tác động quan trọng đến hoạt động QTCT của doanh ngiệp, cụ thể:
Về quy định tư cách thành viên HĐQT, đối với việc quy định hạn chế số lượng công ty mà 01 cá nhân tham gia làm thành viên HĐQT, hiện nay, nhiều nước trên thế giới có quy định về việc hạn chế số lượng công ty mà 01 cá nhân tham gia làm thành viên HĐQT, như Ireland và Thụy Sỹ (tối đa 4 công ty), Ấn Độ (thành viên độc lập HĐQT và thành viên quản trị không điều hành chỉ được làm thành viên HĐQT tối đa 7 CTĐC), Trung Quốc (một cá nhân chỉ được tham gia tối đa 05 HĐQT), Bangladesh (một cá nhân chỉ được làm thành viên độc lập HĐQT của tối đa 03 CTNY).
Ngoài ra, một số quốc gia khác khuyến nghị giới hạn số lượng công ty mà một người được làm thành viên HĐQT.
Theo nguyên tắc QTCT tốt phổ biến trên thế giới, các thành viên HĐQT phải đảm bảo năng lực và thời gian cần thiết để tham gia các hoạt động của HĐQT CTĐC.
Các thành viên này khi tham gia HĐQT bị ràng buộc về trách nhiệm được quy định chặt chẽ tại Luật Doanh nghiệp cũng như Luật Chứng khoán, theo đó, đòi hỏi các thành viên HĐQT phải có thời gian nghiên cứu về tình hình kinh tế, đặc điểm của lĩnh vực, ngành, cũng như đặc thù riêng của công ty, đảm bảo quyết định của họ tuân thủ quy định pháp luật và mang lại lợi ích cho công ty, đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Do vậy, Thông tư số 121 quy định về tư cách thành viên HĐQT đã hạn chế số lượng công ty mà thành viên HĐQT của CTNY được tham gia làm thành viên HĐQT. Quy định này đã góp phần quan trọng trong việc nâng chuẩn QTCT tại CTĐC, CTNY phù hợp với thông lệ quốc tế về đảm bảo hiệu quả hoạt động của thành viên HĐQT.
Về giao dịch với các bên có quyền lợi liên quan, theo thông lệ quốc tế về nguyên tắc đối xử bình đẳng đối với tất cả cổ đông và giao dịch đối với các bên liên quan, công ty phải hạn chế, công khai các giao dịch của công ty với người có liên quan, đặc biệt là hạn chế cung cấp các khoản vay cho cổ đông hiện hữu, tránh tình trạng thành viên HĐQT, Ban giám đốc và những người liên quan đến các đối tượng này lợi dụng quyền của mình đề mưu lợi cá nhân làm thiệt hại đến cổ đông và công ty.
Cụ thể, kinh nghiệm về QTCT tại các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Mỹ, việc thực hiện giao dịch giữa công ty và người có liên quan phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận (ĐHĐCĐ hoặc HĐQT) và phải được công khai (thể hiện trong Báo cáo tài chính năm và Báo cáo thường niên). Ngoài ra, trong bộ thông lệ về QTCT áp dụng cho CTNY của Trung Quốc, CTNY không được cung cấp các đảm bảo về tài chính cho cổ đông và những người có liên quan.
Theo quy định tại Luật Thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ, cổ đông không được phép vay nợ công ty. Đối với nội dung liên quan đến “người có quyền lợi liên quan - stakeholder”, theo thông lệ quốc tế, việc đảm bảo quyền lợi của các quy định về “người có quyền lợi liên quan” là một nguyên tắc cơ bản của nội dung QTCT (cụ thể là Bộ nguyên tắc QTCT G20/OECD - Priciples of Corporate Governance 2015).
Theo đó, công ty phải tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của “người có quyền lợi liên quan” trên cơ sở của pháp luật và hợp đồng giao dịch giữa các bên.
Hiện nay, Thông tư 121 đã có quy định CTĐC không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho cổ đông và những người có liên quan và đã đưa ra nội dung mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của công ty đối với các bên có quyền lợi liên quan để đảm bảo tính phù hợp trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy, trong bối cảnh môi trường pháp lý của Việt Nam hiện nay, Luật Chứng khoán chỉ đưa ra những nguyên tắc cơ bản về QTCT, các văn bản hướng dẫn về QTCT hiện nay được xây dựng theo hướng phù hợp với nguyên tắc QTCT của OECD, phù hợp với xu hướng QTCT quốc tế phổ biến tại nhiều quốc gia có TTCK phát triển.
Điều này đã góp phần quan trọng trong việc rút ngắn khoảng cách về chất lượng QTCT của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp trong khối ASEAN, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.