Kinh nghiệm quốc tế về cơ chế xóa nợ thuế
Phần lớn các nước trên thế giới đều có cơ chế xóa nợ cho những khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi.
Thậm chí, một số quốc gia còn cho xóa nợ thuế đối với cá nhân, nếu chứng minh được việc thanh toán nợ thuế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ. Đây được xem là luận cứ thực tế làm cơ sở để Bộ Tài chính đề xuất ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ thuế, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt không có khả năng thu hồi.
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), tỷ lệ tiền nợ thuế có sự khác biệt giữa các nước. Theo đó 20/33 quốc gia OECD có tỷ lệ nợ thuế dưới 10%, trong khi đó ở Đông Nam Á, tỷ lệ nợ/tổng thu thuế lại không đồng đều. Nếu như Singapore có tỷ lệ nợ thuế thấp nhất khoảng 1,7%, thì tại Campuchia tới 22,2%, Thái Lan và Indonesia là 6,8%.
Để giảm nợ ảo cho ngân sách nhà nước (NSNN), phần lớn các nước đều có cơ chế xóa những khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi, như nợ của người nộp thuế (NNT) đã chết hay mất tích; những khoản thuế phát sinh trên 10 năm; đối tượng không có khả năng thanh toán và tuyên bố phá sản; những khoản nợ mà chi phí để thu hồi cao hơn số tiền có thể thu về được.
Thậm chí, một số nước còn cho xóa nợ thuế với một số cá nhân, nếu chứng minh được việc thanh toán nợ thuế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và người thân của họ. Bên cạnh đó, đối với các khoản nợ thuế của doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa (CPH), sắp xếp lại doanh nghiệp cũng được xem xét để xóa nợ thuế.
Ông Trương Bá Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính dẫn chứng, tại Serbia có tới 4 trường hợp được xóa nợ thuế khi có quyết định phá sản với điều kiện NNT không có tài sản thanh toán, hoặc có giá trị thanh toán nhỏ hơn số thuế phải nộp.
Thậm chí, có thể xóa toàn bộ nợ hay một phần đối với trường hợp đang trong quá trình tư nhân hóa hoặc sắp xếp lại doanh nghiệp. Còn tại Latvia, xóa nợ thuế bao gồm cả nợ gốc và phạt chậm nộp khi thủ tục phá sản của doanh nghiệp đã hoàn tất cùng tình trạng không trả nợ được; cá nhân khi bị chết hoặc người thừa kế không đủ khả năng trả; quyết định thu hồi thuế hết hiệu lực.
Ngay tại Mỹ, trong trường hợp phá sản, doanh nghiệp được xem xét xóa nợ thuế đối với thuế thu nhập liên bang, nếu đáp ứng đủ điều kiện doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế cho các khoản nợ muốn xóa ít nhất là 2 năm trước khi nộp đơn phá sản để đảm bảo quy tắc 240 ngày, tức là các khoản nợ thuế thu nhập phải được Cục thu nội địa (IRS) đánh giá ít nhất 240 ngày trước khi doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản.
Trường hợp cá nhân đã chết mà vẫn còn nợ thuế, IRS sẽ gửi danh sách nợ cho người hưởng tài sản. Người này phải có trách nhiệm phân phối tiền và tài sản, trong đó nợ thuế được ưu tiên hàng đầu. Nếu người chết có vợ hoặc chồng, thì đối tượng còn lại phải chịu trách nhiệm về khoản nợ thuế này. Trong điều kiện nhất định, có thể nộp đơn xin xóa nợ thuế, nhưng phải sau 10 năm kể từ ngày IRS đánh giá lại khoản thuế, nợ thuế được xóa bỏ.
Còn tại Malaysia, NNT có thể đề nghị với Tổng cục Thuế để được giảm toàn bộ, hoặc một phần nợ thuế với những khoản nợ xấu, nếu không nhận được bất kỳ thanh toán nào hoặc chỉ nhận một phần thanh toán từ việc cung cấp dịch vụ bị chịu thuế, kể từ ngày nợ.
Không chỉ vậy, tỷ lệ tiền thuế được xóa nợ trên tổng số nợ thuế của các nước cũng khác nhau. Một số nước như Séc, Hungary, Australia có tỷ lệ cao, chiếm trên 20% số dư nợ thuế, trong khi bình quân các nước OECD khoảng 20%.
Mục đích của việc xóa nợ thuế ở những nước này không chỉ tháo gỡ khó khăn cho cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, mà còn để tiết kiệm chi phí quản lý cho cơ quan thuế, đảm bảo số thuế phản ánh đúng thực chất, nhất là với những khoản nợ không có khả năng thu hồi.
Ngay cả thẩm quyền ban hành xóa nợ thuế ở mỗi nước cũng khác nhau. Một số nước, việc ban hành quyết định xóa nợ thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính. Trong khi ở Latvia, thì Bộ Tài chính sẽ quyết định, thậm chí có quốc gia việc xóa nợ thuế phân cấp theo giá trị khoản nợ.
Tại Serbia, theo đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ sẽ xem xét quyết định xóa nợ. Tại Croatia, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế sẽ ban hành các quyết định xóa nợ thuế dựa trên các giải trình của NNT, sau đó cục thuế thực hiện. Ở Hungary, cơ quan thuế ra quyết định hủy bỏ số thuế còn nợ, nếu việc cưỡng chế không có kết quả hoặc hết thời hiệu, hoặc khoản nợ dưới 1.000 forint (tương đương 5 triệu đồng).