Xóa nợ thuế quan trọng nhất là công khai, minh bạch
Việc xóa nợ thuế cho doanh nghiệp (DN) đối với những trường hợp không thể thu hồi là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn. Vì vậy, nếu đề xuất xóa nợ thuế được Quốc hội cho phép, điều quan trọng nhất là quá trình thực thi phải thực hiện công khai, minh bạch.
Có như vậy mới đạt được mục tiêu hỗ trợ DN khó khăn, minh bạch hóa nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về đề xuất xóa nợ thuế của Bộ Tài chính.
PV: Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc xóa 26.500 tỷ đồng nợ thuế đối với những khoản không thể thu hồi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ông Lê Đăng Doanh: Nhìn từ thông lệ quốc tế, tôi được biết, rất nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện chính sách xóa nợ thuế cho những đối tượng không có khả năng thanh toán như phá sản, mất tích, đã chết… cũng như sau khi cơ quan thuế áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế với DN mà không thu được nợ. Như vậy, việc đề xuất xóa nợ thuế của Bộ Tài chính trước hết là phù hợp với thông lệ quốc tế, đang được nhiều quốc gia áp dụng.
Ông Lê Đăng Doanh |
Thứ hai, theo đề xuất của Bộ Tài chính là thực hiện xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với một số trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng, do trở ngại khách quan hoặc những trường hợp không còn khả năng thu, theo tôi là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Ở đây cần thấy rằng, số tiền xóa nợ thuế thực chất là tiền không thu được, cộng với tiền phạt chậm nộp đẩy khoản nợ thuế ngày càng cao “treo” trên hệ thống sổ sách của cơ quan thuế, từ năm này qua năm khác nhưng không xử lý được. Cơ quan thuế có muốn thu cũng không thu được.
Liên quan đến việc đánh giá tác động của việc xóa nợ thuế này, tôi cho rằng, nếu việc xóa nợ thuế được thực hiện sẽ đem lại nhiều tác động tích cực. Trước hết, việc xóa nợ thuế, xóa tiền chậm nộp thuế cho những DN bị khó khăn bất khả kháng cho thấy chính sách thuế có sự đồng hành cùng DN, sẻ chia với DN trong những giai đoạn khó khăn; để từ đó DN sẽ có động lực tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo đó, DN sẽ dần có khả năng trả tiền nợ thuế, đồng thời tạo tiền đề để tăng thu NSNN trong tương lai.
Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý, việc xóa nợ thuế sẽ góp phần làm minh bạch số tiền nợ thuế, minh bạch nguồn thu, phản ánh chính xác số tiền nợ thuế; giúp cho công tác quản lý thuế của cơ quan thuế thuận lợi hơn và giúp cho Nhà nước dễ dàng cân đối các khoản thu chi ngân sách để phục vụ các nhiệm vụ của Nhà nước.
Với những quan điểm như trên, theo ý kiến cá nhân, tôi đồng tình với đề xuất xóa nợ thuế cho một số đối tượng mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến. Thậm chí tôi cho rằng, việc xóa nợ thuế đáng ra nên được thực hiện từ lâu rồi.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc khoanh nợ, xóa nợ cho DN có thể trở thành “tiền lệ xấu” tạo ra tâm lý chây ỳ nợ thuế của DN, gây thất thu NSNN. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ông Lê Đăng Doanh: Theo tôi được biết, việc đề xuất, lựa chọn các đối tượng để xóa nợ, khoanh nợ thuế được cơ quan thuế rà soát kỹ lưỡng các đối tượng cụ thể để đề xuất theo quy định của pháp luật. Thêm nữa, quy định về xóa nợ thuế rất hạn chế về đối tượng và quy định rất chặt chẽ; có sự tham khảo lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, các tổ chức nghề nghiệp và người nộp thuế trong cả nước. Cho nên tôi cho rằng, không có kẽ hở cho việc lợi dụng việc này như một tiền lệ xấu.
Tất nhiên, cũng phải thừa nhận, trên thực tế sẽ có một bộ phận DN tìm những cách bất hợp pháp để trốn thuế. Tuy nhiên, vấn đề này lại thuộc phạm trù quản lý khác của cơ quan thuế chứ không phải là vấn đề xóa nợ thuế.
PV: Theo ông, nếu đề xuất xóa nợ được cho phép thực hiện thì quá trình tiến hành cần lưu ý những điều gì?
- Ông Lê Đăng Doanh: Như đã trình bày ở trên, việc xóa nợ thuế đúng đối tượng là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn. Vì vậy, nếu đề xuất xóa nợ thuế được Quốc hội cho phép, điều quan trọng nhất là quá trình thực thi phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát của nhiều cơ quan chức năng, tổ chức khác nhau…
Bên cạnh đó, xét một cách tổng thể, Luật Quản lý thuế hiện hành cần có những sự sửa đổi, bổ sung. Bởi, một số quy định không có tính thực tế đã khiến các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi, nhưng cũng không thể xóa bỏ như thực tế đang xảy ra…
PV: Xin cảm ơn ông!