Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Sau 30 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng mạnh, trở thành một trong những động lực chính cho sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2020, trước tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, vốn FDI vào Việt Nam đã có sự sụt giảm đáng kể.
Trong bối cảnh đó, việc đánh giá thực trạng thu hút FDI trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là cần thiết, qua đó đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục thu hút hiệu quả vốn FDI, góp phần thúc đẩy triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới.
Thực trạng thu hút dòng vốn FDI trước và trong đại dịch COVID-19
Dòng vốn FDI trước đại dịch COVID-19
Trong giai đoạn 2010-2019, nguồn vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng tăng về số lượng dự án, số vốn đăng ký và số vốn thực hiện, nhất là trong giai đoạn 2016-2019. Về vốn đăng ký, tính đến năm 2019, đã có 3.883 dự án FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam với vốn đăng ký là 38.020 triệu USD, tăng 214% số lượng dự án đăng ký và tăng 91,2% số vốn đăng ký so với năm 2010. Về vốn thực hiện, 20.380 triệu USD đã được thực hiện đầu tư vào Việt Nam, tăng 85,3% so với năm 2010.
Xét về quy mô vốn FDI, có thể chia thành hai giai đoạn. Cụ thể, Giai đoạn 2010-2014, số lượng dự án tăng lên đều. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, quy mô vốn lại có xu hướng dao động mạnh, không ổn định do đây là giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế khó khăn, dòng vốn biến động... Giai đoạn 2016-2019, quy mô dự án có xu hướng tăng đều qua các năm. Cụ thể số lượng dự án tăng từ 5% đến 23%, số vốn đăng ký tăng từ 5% đến 38% và số vốn thực hiện tăng từ 7% đến 11 %.
Về đối tác đầu tư, trong giai đoạn 2010-2019, số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng lên, tính đến cuối năm 2020 thì con số này lên tới 139 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư chiếm từ 17-19% tổng số vốn FDI, tiếp sau là Nhật Bản với vốn đầu tư khoảng 14-17% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đến nay, đã có nhiều tập đoàn lớn toàn cầu đầu tư vào Việt Nam; nổi bật là Tập đoàn Samsung với tổng vốn đầu tư lên đến 17 tỷ USD và thường xuyên chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước thông qua mặt hàng chính điện thoại cao cấp và linh kiện điện tử...
Dòng vốn FDI kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19
Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, dòng vốn FDI trên toàn cầu trong năm 2020 đã giảm mạnh tới 42% so với năm 2019, từ mức 1.500 tỷ USD xuống chỉ còn 859 tỷ USD. Đây là mức thấp nhất kể từ những năm 1990, thấp hơn tới 30% so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Tại Việt Nam, dòng vốn FDI vào Việt Nam bị sụt giảm sau khi bùng nổ vào năm 2019.
Cụ thể, trong năm 2020, các dự án FDI đã giải ngân được 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019; tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2020 có sự sụt giảm, tuy nhiên, trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ gia tăng trở lại. Theo số liệu thống kê Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài đạt 12,25 tỷ USD; vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020; có 451 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 54,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 đã ảnh hưởng tới tình hình cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cùng với đó, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các NĐT. Tuy nhiên, chất lượng dòng vốn FDI được cải thiện đáng kể. Ngày càng xuất hiện những dự án có công nghệ hiện đại, tập trung vào hoạt động nghiên cứu và chế tạo để tạo ra sản phẩm chất lượng, có tác dụng lan tỏa, tham gia đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Nhiều dự án đầu tư lớn đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021, làm giá trị vốn đăng ký mới trung bình trên một dự án tăng lên đến 30,87 triệu USD. Các dự án này lại chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có dự án 270 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang của Foxconn, dự án công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam, vốn đầu tư 210 triệu USD hay dự án LG Display Hải Phòng tăng vốn thêm 750 triệu USD...
Cơ hội và thách thức trong thu hút vốn FDI của Việt Nam hậu đại dịch COVID-19
Về cơ hội
- Uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Theo bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của The Economist (2020), Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch COVID-19, các chỉ số tài chính ổn định. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút vốn FDI trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm những điểm đến an toàn để thiết lập lại cơ sở sản xuất sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thuận lợi khác khi được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá triển vọng cao, đồng thời hầu như các tổ chức tài chính quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 tăng trên 6% trở lên.
- Lợi thế từ việc tham gia kí kết và thực hiện các FTA với nhiều đối tác. Việt Nam hiện đã đàm phát để ký kết được 15 FTA, trong đó, có 3 FTA quan trọng là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Để ký kết các hiệp định thương mại này, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực trong cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh… cùng với thuế suất thấp cũng tạo sức hấp dẫn lớn hơn trong thu hút FDI.
- Nhu cầu tìm kiếm thị trường mới để hoạt động, sản xuất của các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, Trung Quốc, EU hậu đại dịch COVID-19. Tất cả các NĐT đều mong muốn môi trường chính trị ổn định và nơi Chính phủ có trách nhiệm trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 để họ yên tâm đầu tư. Việt Nam được xem là hội tụ đủ các yếu tố để nâng cao hình ảnh, thu hút được NĐT nước ngoài (Times of Indian, 2020), đặc biệt có thể đón đầu xu hướng dịch chuyển dòng vốn khỏi Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thu hút vốn FDI đang là chủ trương lớn của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều chính sách như: Ưu đãi về thuế, thủ tục, giá cho thuê đất… là những động thái tích cực, hỗ trợ lớn để tăng sức hấp dẫn đối với NĐT nước ngoài tăng cường mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về thách thức
- Sự cạnh tranh trong thu hút dòng vốn FDI lúc nào cũng diễn ra nhưng thời kỳ hậu COVID-19, sẽ gay gắt hơn vì sau khi kinh tế rơi vào suy thoái, quốc gia nào cũng muốn nhanh chóng phục hồi kinh tế. Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới mới công bố cho thấy, nhiều nền kinh tế trong khu vực đã bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2020. Hiện nay, các thị trường kinh tế đang phát triển cũng có hành động tích cực nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài như: Xây dựng khu công nghiệp với diện tích lớn, đảm bảo nhu cầu của NĐT; áp dụng giá cho thuê đất ưu đãi; áp dụng thuế suất ưu đãi…
- Khả năng đón lõng sự dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc chưa rõ ràng. Đã có thời điểm, nhiều dự báo cho rằng, trước sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Việt Nam có cơ hội đón lõng dòng vốn từ Trung Quốc do các NĐT muốn kiếm cơ hội đầu tư tốt hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, Trung Quốc và Việt Nam đang được đánh giá là phục hồi theo lộ trình hình chữ V. Cả hai nước được kỳ vọng sẽ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2021, với tốc độ lần lượt là 8,1% và 6,6%. Việc Trung Quốc tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ khiến NĐT ngoại cân nhắc rút vốn khỏi nước này.
- Mặc dù, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn được yêu cầu của các NĐT quốc tế. Nhiều DN FDI vẫn than phiền về những bất cập trong môi trường đầu tư như thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng và công nghiệp phụ trợ yếu kém, lạm phát gia tăng… Chất lượng nguồn lao động cũng là một hạn chế lớn trong việc thu hút vốn FDI. Theo thống kê, có tới 39,86% DN FDI đang thiếu hụt lao động, nhiều DN phải mất 1-2 năm đào tạo lại lực lượng lao động.
Giải pháp thúc đẩy vốn FDI giai đoạn hậu đại dịch COVID-19
Việt Nam cần thay đổi chiến lược về chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh trong ASEAN, bảo đảm sự bền vững của luồng vốn FDI tiếp nhận được và đẩy mạnh thu hút vốn FDI có giá trị gia tăng cao hơn, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dưới tác động của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thu hút FDI của Việt Nam thời gian tới:
Một là, hạn chế tối đa những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, nhanh chóng ổn định và chuyển sang giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau dịch, tạo môi trường kinh doanh ổn định.
Hai là, rà soát và bổ sung các quy định, điều kiện để thu hút, duy trì và sàng lọc các khoản đầu tư hiệu quả. Việc ban hành các chính sách ưu đãi nguồn vốn FDI phải có sự phân cấp theo hướng ưu tiên cho các NĐT lớn và có quan hệ lâu năm với Việt Nam; dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thu hút FDI phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, đặc biệt phải quy định rõ những ngành nào, lĩnh vực nào cần ưu tiên thu hút FDI trên nguyên tắc những ngành và lĩnh vực DN trong nước có khả năng làm được thì không kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Ba là, hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư nước ngoài đảm bảo môi trường và điều kiện thông thoáng hơn cho NĐT, nhưng vẫn phải phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bộ phận, từng khâu, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép lao động, quản lý thị thực, thủ tục hải quan, thuế,…
Bốn là, cải thiện cơ sở hạ tầng, tập trung chuẩn bị mặt bằng, nhất là tại các khu công nghiệp, tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐT nước ngoài.
Năm là, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ nhu cầu các DN FDI. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, cung cấp nhân lực cho các dự án FDI; Khuyến khích hoạt động nghiên cứu, đầu tư khoa học công nghệ tại DN; Tăng cường công tác đào tạo tại DN, bao gồm đào tạo tại chỗ, đào tạo lồng ghép…
Tài liệu tham khảo:
1.Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Báo cáo tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4 tháng đầu năm 2021;
2.Ninh Thị Hoàng Lan (2021), Xu hướng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sau đại dịch COVID-19 và một số đề xuất cho Việt Nam, Tạp chí Công Thương số tháng 3/2021;
3.Đặng Hoài Linh, Thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ;
4.Quốc Bình (2021), Thu hút hiệu quả dòng FDI, Báo Thời nay;
5.Vũ Thị Yến (2021), Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, Tạp chí Công Thương số tháng 3/2021.
(*) ThS. Đinh Thị Thủy, Trường Đại học Công đoàn.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021.