Kinh tế 10 tháng tiếp tục phục hồi ở hầu hết các lĩnh vực
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng 2022 của Tổng cục Thống kê nêu rõ, tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới gia tăng khả năng suy thoái; lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, kinh tế – xã hội nước ta trong 10 tháng năm 2022 vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Theo số liệu thống kê, chăn nuôi phát triển ổn định; nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 10/2022 tăng 13,6% so với cùng thời điểm 2021; tổng số gia cầm tăng 5,2%; tổng số bò tăng 3,3%.
Nuôi trồng cá tra và tôm phát triển khá do giá cá tra nguyên liệu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng trong những tháng gần đây và nhu cầu thị trường thế giới tăng cao; giá tôm nuôi ở mức cao và ổn định, người nuôi có lãi. Sản lượng cá tra tháng 10/2022 đạt 168,2 nghìn tấn, tăng 7,2%; tôm đạt 109,6 nghìn tấn, tăng 4,3%. Tính chung 10 tháng, sản lượng cá tra đạt 1.357,7 nghìn tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ 2021; tôm đạt 887,2 nghìn tấn, tăng 9,6%.
Ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất (IIP) tháng 10/2022 ước tăng 6,3% so với cùng kỳ 2021, trong đó chỉ số IIP của ngành chế biến chế tạo tăng 5,7%. Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9%; trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.
Hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng khá so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ 2021, đặc biệt ở các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 20,2% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 51,8% so với cùng kỳ 2021; doanh thu du lịch lữ hành gấp 3,9 lần.
Hoạt động vận tải tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa so với cùng kỳ 2021, trong đó vận chuyển hành khách tháng 10/2022 gấp 2,7 lần và luân chuyển hành khách gấp 3,8 lần; vận chuyển hàng hóa tăng 32,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 40,1%. Tính chung 10 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 44,9% và luân chuyển tăng 68,8% so với cùng kỳ 2021; vận chuyển hàng hóa tăng 23,7% và luân chuyển tăng 32,6%.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 10 đạt 484,4 nghìn lượt người, tăng 12,1% so với tháng trước và gấp 45,9 lần so với cùng kỳ 2021; tính chung 10 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2.357,2 nghìn lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ 2021.
Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 58,27 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ 2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2021, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Đáng mừng là, doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Trong 10 tháng năm 2022, cả nước có 125,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.379,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 835 nghìn lao động, tăng 34,3% về số doanh nghiệp, tăng 5,7% về vốn đăng ký và tăng 18% về số lao động so với cùng kỳ 2021. Số doanh nghiệp tham gia thị trường 10 tháng năm 2022 đạt 178,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ 2021; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 122,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,8%.
Thêm nữa, vốn đầu tư tăng cao so với cùng kỳ 2021. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2022 ước tính tăng 20,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2%, cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.
Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,89% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức tăng 1,81% của bình quân 10 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 10 tháng năm 2020 (3,71%). Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,14%.
Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 24/10/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng khoảng 3.723,8 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 5 triệu người lao động tại 122.253 doanh nghiệp.
Thực tế thời gian qua cho thấy, kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực do xung đột vũ trang và vấn đề địa chính trị trên thế giới. Dự báo và đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế và kết quả tăng trưởng kinh tế thời gian qua của nước ta đã cho thấy rõ điều đó.
Theo phân tích của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, bước sang năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên, so với mục tiêu vẫn còn nhiều thách thức. Từ nay đến cuối năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% đến 7% đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, bình quân tăng trưởng những năm còn lại phải đạt khoảng 7,4%-7,5%. Đây là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta trong thời gian tới. “Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài” – bà Hương nhận định.
Cũng theo bà Hương, kinh tế thế giới năm 2023 được hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga-Ukraine và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,… có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn. Đối với Việt Nam, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm Việt Nam khẳng định vị thế mới khi nước ta sẽ đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương khuyến nghị, trước khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần khai thác tối đa nội lực, huy động và thu hút làn sóng đầu tư, tận dụng mọi cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu để tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của đất nước trên tầm cao mới./.