Kinh tế châu Á sẽ khởi sắc trong năm 2017
Đó là dự báo của tạp chí National Interest (Mỹ) trong bài phân tích với tựa đề "Lý do Mỹ và Trung Quốc có thể đem đến năm 2017 tốt hơn cho kinh tế châu Á" của tác giả Anthony Fensom, chuyên gia tư vấn về châu Á-Thái Bình Dương.
“Năm con Gà” của châu Á hứa hẹn sẽ chứng kiến quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc khởi sắc. Mối quan hệ giữa "hai con gà trống đầu đàn" này sẽ quyết định liệu châu Á có thể cất cao “tiếng gáy” của mình để trở thành nhân tố tăng trưởng chính của nền kinh tế thế giới hay đánh mất những lợi thế lớn của mình.
Dự báo kinh tế gần đây của các tổ chức tín dụng quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy 2017 sẽ là một năm khởi sắc cho khu vực châu Á, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực sẽ tăng khoảng 5,3-5,7%.
Ngược lại, IMF dự báo mức tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ đạt 2,2% trong năm nay còn OECD dự báo con số 2,3% cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, hiện có quá "nhiều mây đen trên bầu trời châu Á", một trong số những đám mây đó là sự suy giảm liên tục của Trung Quốc và ảnh hưởng của "Trumponomics" (chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump), cùng lãi suất tăng cao ở Mỹ và hiệu ứng lan tỏa từ sự kiện Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).
Trung Quốc tập trung vào ổn định ngắn hạn
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ giữ cho nền kinh tế lớn nhất khu vực này đi đúng hướng trước khi cuộc họp Quốc hội thứ 19 diễn ra vào mùa Thu năm nay. Điều này đã được phản ánh trong Hội nghị kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây, với việc xây dựng một mục tiêu quan trọng cho năm 2017 là ổn định nền kinh tế bằng cách tập trung vào các rủi ro tài chính chứ không tập trung giải quyết cải cách cơ cấu.
Việc Trung Quốc tập trung vào sự ổn định ngắn hạn là tín hiệu tốt cho triển vọng tăng trưởng của châu Á và Trung Quốc vào năm 2017, mặc dù vẫn có một số nguy cơ dài hạn hơn. Mặc dù kinh tế Trung Quốc đã suy giảm 6,7% trong năm 2016 nhưng OECD và ADB trong cập nhật mới nhất đã dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong năm 2017 là 6,4%.
Tuy nhiên, để đạt được những kỳ vọng này, Bắc Kinh vẫn phải đối mặt với những mối đe dọa lớn. Việc tăng lãi suất ở Mỹ và mối quan hệ ngày càng xấu đi với Tổng thống đắc cử Trump và cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn có khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại, làm xấu đi triển vọng kinh tế của Trung Quốc và sự lạc quan kinh tế của cả khu vực.
Bên cạnh đó, thất bại của Bắc Kinh trong việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả cũng có nguy cơ dẫn đến vụ phá sản như Nhật Bản thời những năm 1990. Nợ của Trung Quốc hiện nay vượt quá 250% GDP và "núi nợ" này ngày càng tăng với tốc độ 30%/năm, nên Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có nhiều lý do để cảm ơn ông Trump vì nhờ chính sách kinh tế của ông Trump mà đồng USD tăng và đồng Yen giảm giá, giúp chứng khoán Nhật Bản tăng vọt và lợi nhuận xuất khẩu và tiền lương cũng tăng theo tỷ lệ thuận.
Nhờ việc đồng Yen liên tục rớt giá, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh hơn so với dự báo gần đây (dự báo trước đó cho thấy GDP của Nhật Bản chỉ tăng khoảng 1% trong năm 2017). Điều này khiến ông Abe tiếp tục trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của đất nước Mặt trời mọc trong những thập kỷ gần đây.
Điểm bất lợi cho Nhật Bản là nguy cơ chịu ảnh hưởng từ việc ông Trump giữ đúng lời hứa tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bất kỳ sự bất ổn toàn cầu nào, chẳng hạn như căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, cũng có thể khiến các nhà đầu tư đẩy đồng Yen lên cao hơn để tìm kiếm các tài sản ít rủi ro và sẽ làm suy yếu chính sách kinh tế Abenomics của ông Abe.
Lợi ích dài hạn của Ấn Độ
Quyết định gây sốc của Ấn Độ khi hủy bỏ 86% lượng tiền mặt lưu thông đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường đầu tư kinh doanh và nhu cầu tín dụng mà lẽ ra được dự báo sẽ tăng trưởng vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, “cơn đau” ngắn hạn mà các ngân hàng, doanh nghiệp và người tiêu dùng của nước này phải chịu đựng có thể sẽ dẫn đến những lợi ích dài hạn, tăng trưởng trên diện rộng, cải thiện tài chính ngân hàng giúp tăng cường đầu tư tư nhân và chi tiêu cơ sở hạ tầng công nhờ doanh thu thuế được cải thiện.
Mặc dù ADB điều chỉnh hạ tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm 2016 từ 7,6% xuống còn 7%, nhưng tăng trưởng GDP năm 2017 của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt 7,8%, giúp quốc gia châu Á này trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Điểm bất lợi đối với cường quốc Nam Á này là rủi ro từ những cú sốc bên ngoài, bao gồm lãi suất của Mỹ tăng cao và suy thoái ở Trung Quốc. New Delhi cũng sẽ phải để mắt tới các vấn đề khu vực, coi đây là những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự cạnh tranh đang nóng lên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan do Bắc Kinh đề xuất.
Dự báo lạc quan về ASEAN
Các nhà phân tích kinh tế vẫn dự báo lạc quan về khu vực Đông Nam Á, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đã thúc đẩy tăng trưởng GDP của khu vực lên 4,5% trong năm 2016 và dự báo khu vực này sẽ đạt tốc độ tương tự vào năm 2017.
Tuy nhiên, lãi suất của Mỹ tăng đã làm rung chuyển thị trường châu Á và báo hiệu các nguy cơ của một cuộc rút vốn ồ ạt ra khỏi các nền kinh tế mới nổi. Ước tính khoảng 80% trái phiếu nợ từ những người vay ở các thị trường mới nổi sẽ được định giá bằng đồng USD, cùng với giá đồng USD tiếp tục tăng sẽ khiến những người vay cá nhân trong khu vực chịu nhiều bất lợi, qua đó sẽ dẫn đến thắt chặt đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, còn có các rủi ro mang hiệu ứng lan tỏa như suy thoái ở Trung Quốc, các mối đe dọa từ sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và Brexit sẽ gây thiệt hại cho thị trường xuất khẩu ở châu Âu.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia Fensom, nhìn chung sau những vất vả của năm “con Khỉ”, khu vực châu Á sẽ có chút khởi sắc bất ngờ vào năm 2017 và "hai con gà trống đầu đàn" có thể tạo ra những khởi sắc ấy là Mỹ và Trung Quốc.