IMF cảnh báo Mỹ tăng lãi suất có thể làm gián đoạn dòng vốn châu Á

Theo thoibaonganhang.vn/Reuters

Việc tăng lãi suất của Mỹ có thể phá vỡ các dòng vốn và làm tăng biến động giá tài sản ở châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết ngày 6/10/2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Một loạt các dữ liệu kinh tế khả quan tại Mỹ được công bố gần đây đang đẩy đồng USD lên giá khá mạnh nhờ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 12/2016.

Trong khi triển vọng tăng trưởng yếu ớt tại các nền kinh tế tiên tiến cũng có thể tạo ra tác động tiêu cực với các quốc gia mới nổi châu Á như xuất khẩu suy yếu từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng và lạm phát của khu vực, IMF cho biết trong một báo cáo về khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Các nền kinh tế tiên tiến sẽ tiếp tục dựa vào những chính sách tiền tệ bất thường để nâng tốc độ tăng trưởng. Điều này có thể dẫn đến thanh khoản toàn cầu dư thừa, đẩy dòng vốn chảy mạnh vào các thị trường mới nổi, góp phần làm tăng giá đồng nội tệ của các quốc gia này và giảm phát áp lực quá mức”, báo cáo cho biết.

Báo cáo của IMF cho rằng, một số ngân hàng trung ương trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể cần phải cân nhắc những ưu và khuyết điểm của chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo kéo dài như Australia, Hàn Quốc và New Zealand đang nhìn thấy chính sách in tiền mạnh đang đẩy giá nhà đất tăng cao.

Tuy nhiên IMF lại hoan nghênh việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hồi tháng tháng trước quyết định thay đổi khung chính sách, song vẫn cam kết tiếp tục duy trì chính sách siêu nới lỏng cho đến khi lạm phát đạt được mục tiêu 2%.

“Trong trường hợp của Nhật Bản, chính sách tiền tệ cần tiếp tục tập trung vào nâng lạm phát và kỳ vọng lạm phát thông qua việc tiếp tục nới lỏng nếu cần thiết đồng thời tăng cường không khổ truyền thông của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản”, IMF cho biết.

Mặc dù kêu gọi các nền kinh tế châu Á cần đảm bảo để tỷ giá đồng nội tệ biến động linh hoạt, nhưng IMF cũng khuyến nghị, cần cân nhắc việc can thiệp ngoại hối nếu tỷ giá biến động quá mạnh đe dọa đến sự ổn định tài chính. “Can thiệp ngoại hối cũng cần được xem xét nếu tỷ giá biến động quá nhanh là kết quả của các thị trường kém thanh khoản hay một chiều”, báo cáo cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Nhật Bản đang chịu sức ép lớn trong việc can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm giảm giá đồng yên, khi mà việc đồng tiền này mạnh lên đang đe dọa đà phục hồi mong manh của Nhật.

Với Trung Quốc, một quan chức cấp cao của IMF cho biết, Trung Quốc có thể tiếp tục lộ trình hướng tới thả nổi tỷ giá dần dần trong thời gian tới mà không lo phá vỡ giá trị đồng nội tệ.

“Chắc chắn sẽ có những biến động, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ là hợp lý để hy vọng rằng họ sẽ vẫn thành công trong việc quản lý quá trình chuyển đổi này một cách từ từ”, Markus Rodlauer - Phó giám đốc bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của IMF nói với báo giới khi được hỏi liệu ông mong đợi một sự phá giá lớn trong nhân dân tệ.