Kinh tế Eurozone tiềm ẩn nguy cơ suy thoái

Theo Minh Đức/thoibaonganhang.vn

Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã liên tục đón nhận các tin tức kinh tế vĩ mô với những diễn biến theo chiều hướng xấu đi, trong đó gần đây nhất là tỷ lệ lạm phát đã cách xa mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể, theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), chỉ số giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 3/2019 chỉ tăng 1,4%, so với mức 1,5% của tháng trước đó và cách xa mức mục tiêu 2% mà ECB đề ra. Trong đó, lạm phát lõi (không tính các mặt hàng dễ biến động như năng lượng và thực phẩm) chỉ đạt mức tăng 0,8%. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang đình trệ tại Eurozone.

Kinh tế Eurozone tiềm ẩn nguy cơ suy thoái - Ảnh 1
Kinh tế vĩ mô của châu Âu diễn biến theo chiều hướng xấu đi

Eurozone đón nhận tin xấu này giữa lúc kết quả khảo sát mới nhất của hãng cung cấp thông tin tài chính IHS Markit cho thấy lĩnh vực chế tạo của khu vực này đang mở rộng ở mức chậm nhất trong sáu năm qua. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp 3 tháng đầu năm chỉ dao động quanh ngưỡng 51 điểm, thấp hơn nhiều mức trung bình trên 54 điểm của quý I năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo của Eurozone trong tháng 3/2019 giảm xuống 47,6 điểm, so với mức 49,3 điểm trong tháng 2/2019.

Trước đó, kết quả khảo sát của hãng cung cấp thông tin tài chính IHS Markit cho biết, hoạt động chế tạo của Eurozone giảm mạnh nhất trong sáu năm qua do sức ép gia tăng từ căng thẳng thương mại toàn cầu và những quan ngại về vấn đề Brexit.

Bên cạnh sự sụt giảm của khu vực sản xuất, hoạt động tiêu dùng nội địa chưa lấy lại đà tăng trưởng vững chắc khi tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa liên tục biến động qua các tháng.

Những diễn biến kém tích cực của khu vực sản xuất và tiêu dùng càng rõ nét khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng và niềm tin khu vực sản xuất đều đang duy trì ở mức thấp trong vòng nhiều năm trở lại đây. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại khu vực châu Âu duy trì ở mức âm dưới 7 điểm liên tục trong 3 tháng đầu năm 2019; trong khi đó chỉ số niềm tin kinh doanh giảm liên lục qua 3 tháng, kết thúc tháng 3 ở mức 0,53 điểm, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2016.

Nguy cơ suy thoái toàn khu vực được quan sát rõ nét hơn tại từng nước thành viên. Cụ thể, kinh tế Đức suy giảm với sự tác động của nhu cầu ôtô nhập khẩu tại Trung Quốc giảm mạnh. Theo Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis, kinh tế Đức suy giảm là do tác động của những yếu tố bên ngoài như căng thẳng thương mại và giảm sút trên các thị trường đang nổi.

Lĩnh vực chế biến chế tạo của Đức chịu tác động nặng nề hơn cả với mức giảm mạnh nhất trong sáu năm rưỡi qua khi chỉ số PMI giảm xuống còn 44,7 điểm trong tháng 3/2019. Theo nhà kinh tế Phil Smith của IHS Markit, Brexit và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang “gióng lên hồi chuông cảnh báo” cho hoạt động chế tạo của Đức.

Đối với Italy, nền kinh tế lớn thứ 3 trong Eurozone, EC dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2019 chỉ tăng trưởng 0,2%, giảm mạnh so với mức 1% đạt được trong năm 2018 cũng như thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1,2% được EC đưa ra hồi tháng 11/2018.

Theo nhận định từ EC, nền kinh tế Italy giảm tốc phần lớn là do thương mại toàn cầu trở nên kém năng động, song hoạt động kinh tế sụt giảm gần đây có thể được coi là nguyên nhân chính khiến nhu cầu nội địa sụt giảm, nhất là về đầu tư, trong bối cảnh sự bất ổn liên quan đến lập trường chính sách của chính phủ và phí tổn vay mượn tăng cao đang gây nhiều tác động tiêu cực.

Ông Dombrovskis cho rằng Italy cần tiến hành cải cách cơ cấu mạnh mẽ cũng như có hành động mang tính quyết định nhằm hạ thấp nợ công. Nói cách khác, Italy cần có những chính sách thể hiện trách nhiệm để mang lại sự ổn định, lòng tin và các khoản đầu tư.

Những dữ liệu kinh tế vĩ mô trên cho thấy châu Âu đang vật lộn để đối phó với những căng thẳng thương mại toàn cầu và sự bất ổn liên quan vấn đề Brexit, đồng thời có thể gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách của ECB.

Trong thời gian tới, nền kinh tế châu Âu sẽ chưa có nhiều cải thiện do chịu ảnh hưởng của 3 nhân tố lớn. Thứ nhất, các nền tảng kinh tế vĩ mô trong khu vực vẫn ở trong tình trạng phục hồi yếu ớt. Thứ hai, những cải cách về mặt cơ cấu khó được tiếp tục. Nền kinh tế châu Âu có dân số già hóa nhanh, nên lực lượng lao động là nhân tố quan trọng và khó khăn nhất.

Khu vực này đã được hưởng lợi từ hàng loạt cải cách thị trường lao động của các nước thành viên trong giai đoạn 2008-2014, nhưng đúng trong giai đoạn phục hồi mạnh (2017-2018) thì lại chưa có đột phá lớn, dẫn đến năng suất lao động bắt đầu giảm xuống vào năm 2017, làm suy yếu đà phục hồi. Thứ ba, sức ép bên ngoài dần gia tăng khi các căng thẳng thương mại vẫn có nhiều diễn biến phức tạp trong năm 2019, khi đó nền kinh tế châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài sẽ bị tác động nghiêm trọng.

Đầu tháng 3 vừa qua, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm nay và năm 2020 do "những bất ổn" từ địa chính trị cho đến xung đột thương mại đang đè nặng lên nền kinh tế khu vực.  Cụ thể, ECB dự báo kinh tế Eurozone sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 1,1% trong năm nay, giảm 0,6 điểm phần trăm với mức dự báo trước đó.