Kinh tế Mỹ có bị ảnh hưởng trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp?
Những kinh tế lớn trên toàn cầu được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực trước sự bùng phát và lan rộng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp từ Vũ Hán (Trung Quốc), trong đó nền kinh tế Mỹ không phải là ngoại lệ. Hiện nay, tuy có đã có một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể sẽ bị tác động, nhưng giới đầu tư và chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan vào sự hồi phục và khả năng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu này trong thời gian tới.
Những dấu hiệu trái chiều
Dịch bệnh đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho nền kinh tế Mỹ. Việc hạn chế đi lại liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) có thể gây thiệt hại về kinh tế đối với nhiều thành phố và bang trên khắp nước Mỹ, vốn đang thu được nhiều lợi nhuận nhờ sự gia tăng mạnh lượng du khách đến từ Trung Quốc trong những năm gần đây. Oxford Economics ước tính dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV sẽ khiến mức chi tiêu của du khách Trung Quốc tại nước này giảm 10,3 tỷ USD, phần lớn là trong năm 2020.
Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ như: hàng không, du lịch và bán lẻ chịu ảnh hưởng. Các ngành sản xuất cũng sẽ phải chịu chung số phần khi một số tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ và các quốc gia khác có nhà máy tại Trung Quốc đã bị thiệt hại khi phải chấp nhận đóng cửa, ngừng sản xuất. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Fox Business Network hôm 4/2, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp có thể sẽ làm chậm lại xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc khi mà thỏa thuận Thương mại song phương giai đoạn 1 dự kiến có hiệu lực trong tháng này.
Tuy nhiên, trên thị trường tài chính của nền kinh tế số 1 thế giới này lại đang có những diễn biến trái chiều. Khi cả thế giới bắt đầu biết về dịch bệnh ở Trung Quốc, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến nhiều phiên lên xuống thất thường. Trong đó, một nguyên nhân được nhắc đi nhắc lại là do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCOV gây ra, khiến tâm lý nhà đầu tư lo sợ.
Oxford Economics ước tính dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV sẽ khiến mức chi tiêu của du khách Trung Quốc tại Mỹ giảm 10,3 tỷ USD, phần lớn là trong năm 2020.
Tuy nhiên, sau đó, dường như tình hình đã tạm ổn trở lại với những dấu hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán. Niềm tin của nhà đầu tư Mỹ được củng cố vững chắc hơn nhiều so với hồi dịch SARS năm 2003 khi mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra có tỷ lệ tử vong thấp hơn và Chính phủ các nước đã rất quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ đó giảm động được tác động xấu lên nền kinh tế mỗi quốc gia. Các nhà đầu tư có niềm tin lạc quan rằng dịch bệnh sẽ sớm được dập tắt.
Trả lời CNBC mới đây, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tác động nhỏ đến nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế nước này sẽ sớm hồi phục nhanh. Còn hãng tư vấn kinh tế Capital Economics thì nhận định, nCoV có thể lấy đi 280 tỷ USD của kinh tế toàn cầu trong quý I/2020 nhưng dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn và mức tăng trưởng sẽ được bù lại trong các quý sau và đến giữa năm 2021, kinh tế toàn cầu sẽ lấy lại đà tăng trưởng bình thường.
Nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang lao đao vì sự lây lan của virus corona, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Tổng thống Donald Trump đã gửi thông điệp lạc quan đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ. Hiện nay, Mỹ đang khởi động năm 2020 dựa trên một nền tảng kinh tế vững chắc, có khả năng phát triển tốt hơn nữa. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,3% trong năm 2019, sau khi mở rộng 2,1% trong quý IV/2019, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm…
Theo giới quan sát, nền kinh tế Mỹ - vốn đang phát triển mạnh mẽ sẽ phải gánh nhiệm vụ hỗ trợ sự tăng trưởng toàn cầu cho đến khi Trung Quốc trở lại bình thường. Sự tương trợ lẫn nhau có thể diễn ra suốt một chặng đường dài, giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia này, đồng thời mang lại một khởi đầu mới cho mỗi quốc gia cũng như cả nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các bên cần phải nỗ lực hết mình. Đáng mừng là trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung hôm 7/2/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc vẫn sẽ đáp ứng các mục tiêu mua hàng được đặt ra trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ, bất chấp những đình trệ liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra.
Trước đó, ngày 15/1 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Nhà Trắng. Theo đó, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng hai năm tới và đổi lại Mỹ sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12/2019, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc. Việc hai nước chính thức ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một đánh dấu bước đầu tiên trong việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm qua.