Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 09-14/07/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp

Số dư Quỹ bình ổn (BOG) ước tính đến trước 15h ngày 07/7 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn 2.260 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với ngày 22/6. Nếu tính tổng cộng hai kỳ công bố gần đây nhất (từ ngày 07/6), mức giảm là 110 tỷ đồng.

Trước đó, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở để điều hành mặt hàng xăng, dầu trong nước. Theo đó, mặt hàng xăng E5 và xăng RON 95-III giữ nguyên, trong khi dầu diesel 0.05S giảm 5 đồng/lít, dầu hỏa tăng 189 đồng/lít còn dầu mazút 3.5S tăng 319 đồng/kg.

(Theo Petrolimex ngày 07/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC đạt trên 30,2 tỷ kWh, tăng 13,32% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, điện cấp cho công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 65,35%, tăng 15,28%; điện cấp cho quản lý tiêu dùng chiếm 28,47%, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến hết tháng 6/2018, EVNNPC đã khởi công 27 dự án và hoàn thành đóng điện 39 dự án với năng lực tăng thêm 1.209MVA và trên 274 km đường dây110kV. (Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC ngày 10/7)

Tăng trưởng

Tăng trưởng GDP trong 2 quý còn lại của năm 2018 khó đạt kết quả khả quan như năm 2017. GDP cả năm dự báo đạt khoảng 6,7 - 7%. Lạm phát tăng 3,6 - 4%. Cán cân thanh toán tổng thể ở mức 8 - 10 tỷ USD.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất khoảng 6 - 9% là phù hợp với khả năng trả lãi vay của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. (Theo Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh ngày 09/7)

Doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số lượng tờ khai xuất - nhập khẩu đạt 5,78 triệu tờ, tăng 7,8%. Trong đó số lượng tờ khai xuất khẩu đạt 2,85 triệu tờ, tăng 10,8% và số lượng tờ khai nhập khẩu là 2,93 triệu tờ, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất - nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 69,6 nghìn doanh nghiệp, tăng khoảng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có khoảng 515 nghìn lượt phương tiện xuất - nhập cảnh, trong đó số lượt phương tiện xuất cảnh đạt 258 nghìn lượt và nhập cảnh là 257 nghìn lượt. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 05/7)

Ngày 09/7, Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý I/2018.

Theo đó BCI quý I/2018 của Việt Nam đạt 78 điểm, tăng 1 điểm so với quý IV/2017. 84% doanh nghiệp cho rằng rằng lạm phát sẽ không có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. (Theo Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam -EuroCham ngày 09/7)

Tổng cầu


Ngân sách Nhà nước

Tính đến hết tháng 6/2018, toàn ngành Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan 3.166 cuộc. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 1.174,3 tỷ đồng, thực thu vào ngân sách nhà nước (bao gồm cả số thu của năm 2017) 1.029,9 tỷ đồng, đạt 46% chỉ tiêu năm 2018, tăng 19% so với cùng kỳ 2017.

Năm 2018, Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu thực hiện kiểm tra tối thiểu 1.280 cuộc tại trụ sở người khai hải quan và đạt số thực thu ngân sách nhà nước tối thiểu 2.235 tỷ đồng. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 05/7)

Đầu tư

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước thu hút được 445 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD; 259 dự án đầu tư trong nước đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn khoảng 46.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư các dự án FDI và dự án đầu tư trong nước giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến nay, cả nước có 325 khu công nghiệp được thành lập, tỷ lệ lấp đầy đạt 53%; các khu công nghiệp đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy trên 73%.

17 khu kinh tế ven biển có tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 845 nghìn héc-ta. (Theo Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 08/7)

Xuất - nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 dự báo đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018 như: Điện thoại và linh kiện đạt khoảng 50 tỷ USD (tăng khoảng 10,4%); máy vi tính và linh kiện đạt khoảng 30 tỷ USD (tăng khoảng 15,6%); hàng dệt may đạt khoảng 28,5 tỷ USD (tăng khoảng 9,5%); giầy dép đạt khoảng 16 tỷ USD (tăng khoảng 9,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt khoảng 14,7 tỷ USD (tăng khoảng 15%).

(Theo Bộ Công Thương ngày 10/7)

Tính đến ngày 02/7/2018, tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa đạt 224,49 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2017.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 114,10 tỷ USD, tăng 16,2% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 110,38 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy Việt Nam xuất siêu 3,72 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018.

Xuất khẩu tăng ở các nhóm hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện (tăng 4,94 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 1,89 tỷ USD; hàng dệt may tăng 1,86 tỷ USD.

Nhập khẩu tăng ở các nhóm hàng: Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,52 tỷ USD; xăng dầu tăng 1,31 tỷ USD; vải tăng 776 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 662 triệu USD…

(Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan ngày 05/7)

Thị trường tiêu dùng

Năm 2017, doanh số bán lẻ Việt Nam đạt 2.937 nghìn tỷ đồng (130 tỷ USD), tăng 10,9% so với năm 2016 và dự báo tăng trưởng 11,7% trong năm 2018. Thị trường tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây nhờ yếu tố thuận lợi về dân số và kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chi tiêu cho các sản phẩm giá cao để nâng cao chất lượng cuộc sống. (Theo SSI Retail Research, bộ phận phân tích khách hàng cá nhân thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - SSI ngày 03/7)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng giá và 3 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 14/7 so với ngày 13/7, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,83 - 37,01 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và không thay đổi ở chiều bán ra.

- Doji: 36,89 - 36,96 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 40 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 3 đồng so với tuần trước với 1 ngày tăng, 1 ngày giảm và 4 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 14/7, tỷ giá trung tâm là 22.648 VND/USD, không thay đổi so với tỷ giá ngày 13/7; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại so với ngày 13/7 như sau:

- Vietcombank và BIDV: 23.010 - 23.080 VND/USD, không thay đổi.

- Viettinbank: 23.019 - 23.089 VND/USD, tăng 4 đồng.

Trong 6 tháng cuối năm 2018, đồng USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng đi lên khi nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi, củng cố lộ trình bình thường hóa lãi suất của FED.

Tuy nhiên, đồng USD tăng giá không gây sức ép lớn đối với VND, do đó tỷ giá VND/USD có thể chỉ tăng thêm 1 - 1,5% trong nửa cuối 2018 nhằm cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,57 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018 tạo thêm dư địa cho việc ổn định tỷ giá. (Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS ngày 10/7)

Lãi suất

Lãi suất liên ngân hàng trung bình trong tuần (02 - 06/7/2018) có xu hướng tăng đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ tăng 0,19 - 0,3%.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,3% lên 1,04%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần tăng 0,3% lên 1,14%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,19% lên 1,27%/năm. (Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC ngày 10/7)

Tín dụng

Trong tuần (02 - 06/7), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phát hành tín phiếu mới. Trong khi đó lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 9 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, NHNN đã bơm ròng 9 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu, cho thấy thanh khoản toàn hệ thống có phần eo hẹp hơn so với các tuần trước đó. (Theo BVSC ngày 10/7)

Tính đến ngày 30/6, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 181.768 tỷ đồng, tăng 9.978 tỷ đồng (5,8%) so với cuối năm 2017, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 160.837 tỷ đồng, hoàn thành 67% kế hoạch cả năm. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 189.105 tỷ đồng, tăng 13.723 tỷ đồng (7,8%) so với năm 2017.

Doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm đạt 33.998 tỷ đồng, tăng 2.756 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017 đã giúp hơn 1,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn…

(Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội ngày 10/7)

Tổ chức thẻ quốc tế Visa vừa công bố các số liệu nghiên cứu cho thấy, số lượng giao dịch bằng thẻ không tiếp xúc tại Việt Nam có xu hướng tăng cao với tốc độ 44% mỗi tháng trong giai đoạn từ tháng 7/2017 đến cuối tháng 5/2018.

Tổng giá trị giao dịch qua thẻ Visa không tiếp xúc (loại thẻ khi thanh toán không cần cà mà chỉ cần đặt gần máy POS ) cũng tăng 43% mỗi tháng.

Hơn 50% dân số Việt Nam đã biết đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc, 30% trong số họ đã từng sử dụng và hơn 2/3 sẵn sàng thử hình thức này để thay thế hình thức thanh toán bằng tiền mặt trong tương lai.

(Theo Báo Tuổi trẻ ngày 08/7)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 09/7 - 13/7/2018, thị trường chứng khoán tăng/giảm trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 11,21 điểm (1,25%) lên 909,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 130,23 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 2.902,43 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 2,08 điểm (2,07%) lên 102,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 31,5t riệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 456,52 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,45 điểm (0,91%) lên 49,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,21 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 185,06 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 13,1 triệu đơn vị, trị giá 318 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 8,3 triệu đơn vị, trị giá 264 tỷ đồng (tuần trước đó bán ròng 23 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 1.169 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 2 triệu đơn vị, trị giá 47 tỷ đồng (tuần trước đó bán ròng 30.000 đơn vị, trị giá 47 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 2,8 triệu đơn vị, trị giá 7 tỷ đồng (tuần trước đó bán ròng 2,77 triệu đơn vị, trị giá 3,5 tỷ đồng).

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 21 phiên đấu giá, trong đó có 14 phiên đấu giá thoái vốn, 6 phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) và 1 phiên đấu giá quyền mua.

Tổng khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá đạt hơn 1 tỷ cổ phần; khối lượng cổ phần trúng giá đạt gần 650 triệu cổ phần, tương đương với tỷ lệ thành công 63%. Tổng giá trị cổ phần bán được sau 21 phiên đấu giá đạt hơn 10.400 tỷ đồng.

Tháng 7, HNX tổ chức 2 phiên đấu giá với hơn 11 triệu cổ phần được chào bán của Công ty TNHH MTV Duyên hải Quảng Ninh và Công ty cổ phần Cấp nước Nghệ An.

(Theo báo Chính phủ ngày 03/7)

Trái phiếu

Trong tuần (02 - 06/7/2018), trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch outright đạt 12.592 tỷ đồng, giảm 36,87% so với tuần trước đó.

Tỷ trọng ltrái phiếu kỳ hạn từ 5 - 10 năm chiếm 29,5% tổng giá trị giao dịch, tương đương 3.716,74 tỷ đồng; tỷ trọng trái phiếu kỳ hạn dưới 1 năm chiếm 19,7%; kỳ hạn 1 - 3 năm chiếm 17,2%; kỳ hạn 3 - 5 năm chiếm 13,1%; kỳ hạn 10 - 30 năm chiếm 20,5% tổng giá trị giao dịch.

Tổng giá trị giao dịch repos tuần qua tăng 78,68% so với tuần trước đó, đạt 26.874 tỷ đồng. (Theo BVSC ngày 10/7)

Ngày 11/7/2018, HNX tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng huy động được 2.760 tỷ đồng. Kết quả phiên đấu thầu đã huy động được 3.510 tỷ đồng.

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 500 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 3,45%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 150 tỷ đồng.

+ Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.400 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 4,43%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 600 tỷ đồng.

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 860 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 4,73%/năm. Phiên thầu huy động được 600 tỷ đồng.

+ Kỳ hạn 7 năm, 20 năm và 30 năm: Không có lãi suất trúng thầu.

Kể từ đầu năm 2018 đến ngày 11/7, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 80.901 tỷ đồng thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tại HNX.

(Theo HNX ngày 11/7)

Chứng khoán

Trong quý II/2018, khối lượng giao dịch phái sinh đạt 4.187.579 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hơn 417.784 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý I/2018.

Lũy kế 6 tháng, tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch phái sinh đạt lần lượt 5.537.761 hợp đồng và 563.911 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch bình 6 tháng đạt 45.767 hợp đồng/phiên, gấp 4,18 lần so với năm 2017. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh trung bình mỗi ngày có 150 tài khoản mới.

Tính đến ngày 29/6/2018 đã có 35.275 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2017 và bằng 1,72% tổng số tài khoản giao dịch của cả thị trường chứng khoán, trong đó có 164 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài và 126 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức.

(Theo HNX ngày 10/7)

Chính sách

Nghị định số 94/-CP:

Ngày 30/6/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công, trong đó quy định về quản lý rủi ro đối với nợ công nhằm đảm bảo cơ cấu nợ công hợp lý, phù hợp với mục tiêu, định hướng đặt ra trong kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm đã được Quốc hội quyết định; đảm bảo khả năng trả nợ trong trung hạn và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ công; giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong tình huống xấu nhất với chi phí phát sinh hợp lý.

Về nguyên tắc, việc xử lý rủi ro được thực hiện cho từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào mức độ tổn thất có thể xảy ra và nguyên nhân dẫn đến rủi ro.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/7/2018

Nghị định số 95/NĐ-CP:

Ngày 30/6/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán, trong đó có quy định về trái phiếu xanh.

Đây là loại trái phiếu chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.