Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 24-29/7/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Các chuyên gia cho rằng, nếu không đáp ứng đủ ngân sách cho việc đầu tư hạ tầng, Việt Nam có thể gặp điểm nghẽn tăng trưởng trong các lĩnh vực như vận tải, vận chuyển.

Ngoài ra, đầu tư tư nhân đang đóng góp khoảng 10% cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Với khoản tiền 480 tỷ USD trong 4 năm tới, Chính phủ chỉ có thể đóng góp 1/3 và phần còn lại cần huy động từ khu vực tư nhân.

Như vậy, các đơn vị tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước, đây là một sự thay đổi về căn bản của quốc gia. (Theo báo Người đồng hành ngày 24/7)

Doanh nghiệp

Tính đến ngày 26/6/2017, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra được 36.664 doanh nghiệp, đạt 40,5% kế hoạch năm 2017.

Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 7.643,9 tỷ đồng, tăng 34,07% so với cùng kỳ năm 2016; tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 3.429,92 tỷ đồng. (Theo Tạp chí Tài chính ngày 25/7)

Trong tháng 7/2017 có 11.677 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 94.543 tỷ đồng, tăng 8,7% về số doanh nghiệp và giảm 14,5% về số vốn đăng ký so với tháng 6.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 72.953 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 690.738 tỷ đồng, tăng 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Nếu tính cả số vốn đăng ký tăng thêm 979.727 tỷ đồng của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng qua là 1.670.465 tỷ đồng. (Theo Cục Quản lý kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 27/7)

Thu - chi ngân sách

Trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp nhà nước, đạt 96% kế hoạch (499/518 doanh nghiệp); tính bình quân, bán vốn tại mỗi doanh nghiệp, Nhà nước chỉ thu về hơn 73 tỷ đồng. (Theo Kiểm toán Nhà nước ngày 22/7)

Tổng cầu


Xuất - nhập khẩu

Trong phiên mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo 25% tấm của Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) ngày 25/7, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu 175.000 tấn gạo.

Khối lượng gạo trên được chia thành các lô gồm 1 lô 25.000 tấn và 3 lô 50.000 tấn, với số lượng cụ thể được giao đến các cảng khác nhau. Dự kiến các doanh nghiệp sẽ giao hàng cho Philippines trong tháng 8 và 9/2017. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 26/7)

Trong tháng 7/2017:

- Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 3,11 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng qua đạt 20,45 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 10,89 tỷ USD, tăng 18%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4,31 tỷ USD, tăng 17,5%, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 4,41 tỷ USD, tăng 10,8%.

- Giá trị xuất khẩu hàng rau quả đạt khoảng 360 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 7 tháng đầu năm 2017 đạt 2,03 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là một bước tiến quan trọng của lĩnh vực này trong 7 tháng qua với giá trị đạt xấp xỉ kim ngạch xuất khẩu rau quả trong cả năm 2016 (2,4 tỷ USD).

Ngành rau quả đã vươn lên trở thành một trong các mũi nhọn xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Các thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu quả Việt Nam gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, chiếm khoảng 84,4% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 26 và 27/7)

Trong tháng 7/2017, cán cân thương mại hàng hóa ước tính thâm hụt 300 triệu USD, dẫn đến nhập siêu 7 tháng đầu năm đạt gần 3,1 tỷ USD, tương đương 2,7% kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể:

- Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 17,5 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng 6; tính chung 7 tháng đạt khoảng 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016.

- Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 17,8 tỷ USD, giảm 1,6%; tính chung 7 tháng đạt khoảng 118,3 tỷ USD, tăng 24%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 27/7)

Quan hệ kinh tế thương mại Việt - Nga ngày càng phát triển mạnh với kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều Việt Nam - Nga trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1,67 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó xuất khẩu sang Nga đạt hơn 1 tỷ USD (tăng 34,4%); nhập khẩu từ Nga đạt hơn 664 triệu USD (tăng 15,7%).

Như vậy, Việt Nam xuất siêu sang Nga hơn 343 triệu USD (tăng 95,7% so với cùng kỳ năm 2016). Hàng hóa xuất khẩu sang Nga chủ yếu là điện thoại các loại và linh kiện, chiếm tới 50,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đạt 506,21 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 28/7)

Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Lào đạt 264,7 triệu USD, tăng 13,29% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam xuất khẩu sang Lào chủ yếu mặt hàng xăng dầu, sắt thép, phương tiện vận tải phụ tùng, phân bón… Trong đó, xăng dầu đạt kim ngạch cao nhất chiếm 19,2% tổng kim ngạch, đạt 50,9 triệu USD, tăng 67,93% so với cùng kỳ.

Đứng thứ hai là mặt hàng sắt thép, tuy nhiên so với 6 tháng đầu năm 2016 tốc độ xuất khẩu mặt hàng này sang Lào giảm 15,2% (tương ứng 38 triệu USD), kế đến là phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 9,02% (24,6 triệu USD)(Theo Tổng cục Hải quan ngày 28/7)

 

Đầu tư

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đạt 56,14% vốn, cho thấy NHNN là đơn vị tích cực triển khai các biện pháp đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư.

Kế hoạch đến hết năm 2017, NHNN sẽ đảm bảo giải ngân hết số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2017. (Theo Tổ Công tác của Chính phủ ngày 25/7)

Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 21,93 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, tổng vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp nước ngoài tăng gấp 1,5 lần, lên 12,92 tỷ USD; vốn đăng ký tăng thêm đạt 5,87 tỷ USD; tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 3,12 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.

Tính đến ngày 20/7/2017, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,05 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Phân theo đối tác đầu tư, có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 5,62 tỷ USD, chiếm 25,63%. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỷ USD, Singapore đứng vị trí thứ ba với 3,8 tỷ USD.

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/7)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 5 ngày giảm giá và 1 phiên tăng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 29/7), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,16 - 36,38 triệu đồng/lượng, giảm 40 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 28/7.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,24 - 36,30 triệu đồng/lượng, giảm 40 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 28/7.

- Doji: 36,23 - 36,31 triệu đồng/lượng, giảm 40 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 28/7.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 1 đồng với 2 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 2 ngày giá không đổi.

Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 29/7), tỷ giá trung tâm là 22.433 NVD/USD, không thay đổi so với tỷ giá ngày 28/7, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại có nhiều biến động, một số ngân hàng không có nhiều biến động so với ngày 28/7 như sau:

- Vietcombank, BIDV: 22.695 - 22.765 VND/USD, không thay đổi.

- Techcombank: 22.690 - 22.780 VND/USD, không thay đổi.

- Vietinbank: 22.690 - 22.760 VND/USD, giảm 5 đồng ở cả hai chiều.

Lao động

Theo kết quả khảo sát tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có 2.500 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 22.000 lao động trong tháng 8/2017.

Trong đó, nhu cầu ở nhóm ngành vận tải - kho bãi - xuất, nhập khẩu chiếm gần 17% tổng nhu cầu tuyển dụng lao động của toàn thành phố, tăng gấp 7,5 lần so với tháng 6; nhu cầu ngành kế toán - kiểm toán chiếm gần 4%; ngành kiến trúc, xây dựng có nhu cầu nhân lực tăng hơn 17% so với tháng 6.

Chia theo trình độ, trong 22.000 nhu cầu tuyển dụng của TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cần 27% lao động phổ thông, 23% sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật, 20% trung cấp và 30% cao đẳng - đại học - trên đại học. (Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh ngày 27/7)

Lãi suất

Trong tuần (17 - 21/7), lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu cho thấy tình trạng thanh khoản dồi dào. Lãi suất qua đêm đạt 0,7%, dưới ngưỡng 1% lần đầu tiên kể từ tháng 11/2016 và ngang với mặt bằng lãi suất cùng kỳ năm 2016.

Lãi suất kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng cũng đang được giao dịch ở các mức 0,8%, 2,0% và 3,5%, thấp nhất kể từ đầu năm 2017.

Ngoài ra, tín hiệu thanh khoản tốt còn được thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành tín phiếu trở lại sau 4 tháng. Trong 5 phiên liên tiếp, NHNN đã phát hành 37 nghìn tỷ tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, đây là lượng tiền lớn phát hành trong một thời gian ngắn.

Lãi suất tín phiếu giảm nhanh sau mỗi phiên phát hành, từ 1,3% trong ngày đầu tuần xuống 0,5% vào ngày cuối tuần - mức thấp hơn nhiều so với mức lãi suất 1,5 - 1,75% của cùng kỳ năm 2016.

(Theo SSI Retail Research ngày 24/5)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Ngày 25/7, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đã chào bán 500.000 cổ phần (tương đương 10% vốn điều lệ) của Công ty cổ phần Dịch vụ sửa chữa nhiệt điện miền Bắc, với mức giá khởi điểm 15.300 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá có hai nhà đầu tư tham gia, khối lượng đăng ký mua 450.000 cổ phần, tương đương 90% khối lượng cổ phần chào bán.

Kết quả, Nhiệt điện Hải Phòng đã bán 450.000 cổ phần (tương ứng 90% số cổ phần đưa ra đấu giá) cho hai nhà đầu tư cá nhân, với giá đấu thành công bình quân là 15.300 đồng/cổ phần, bằng mức giá khởi điểm. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 6,8 tỷ đồng. (Theo Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng ngày 25/7)

Trong tuần từ 24/7 - 28/7/2017, thị trường diễn biến trái chiều trong tuần qua.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 5,59 điểm (0,72%) lên 777,09 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt190,06 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.745,57 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,75 điểm (0,75%) lên 100,38 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt63,05triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 542,09 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%) xuống 56,43 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt5,54triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 68,48 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 21.521.450 đơn vị, trị giá 1.543,04 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là PGD với khối lượng đạt 22,4 triệu đơn vị, trị giá 1.268 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là SSI với khối lượng đạt 3,53 triệu cổ phiếu, trị giá 89,56 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 30,57 triệu đơn vị (trong khi tuần trước bán ròng 10,88 triệu đơn vị). Tổng giá trị mua ròng 1.673,36 tỷ đồng, tăng mạnh so với tuần trước chỉ mua ròng 5,23 tỷ đồng.

- HNX: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 4 phiên bán ròng và 1 phiên mua ròng duy nhất vào ngày 24/7. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 9,54 triệu đơn vị, trị giá 127,72 tỷ đồng, tăng 37,27% về lượng và 57,68% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 4 phiên và 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 25/7. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 491.450 đơn vị (giảm 21,19% so với tuần trước), tuy nhiên xét về giá trị họ bán ròng 2,6 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 36,18 tỷ đồng).

Chứng khoán

Tính đến ngày 03/7, mức vốn hóa thị trường đạt 2.539,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Quy mô giao dịch bình quân phiên đạt hơn 12.563 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2016.

Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu (cả phát hành riêng lẻ), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 131 nghìn tỷ.

Bên cạnh đó, hai sở giao dịch chứng khoán đã tổ chức 32 phiên đấu giá cổ phần, với tổng khối lượng cổ phần trúng giá đạt hơn 176,4 triệu cổ phần, tổng giá trị thu về 2.927 tỷ đồng, tỷ lệ thành công gần 90%. (Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 26/7)

Trái phiếu

Ngày 26/7, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 3.000 tỷ đồng cho 3 loại kỳ hạn là 5 năm, 20 năm và 30 năm, khối lượng trúng thầu 2.000 tỷ đồng (đạt 66,7%), ngoài ra còn huy động được 370 tỷ đồng trong phiên thầu phụ:

- 20 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 5,82%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 100 tỷ đồng.

- 30 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 6,22%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 270 tỷ đồng.

- 5 năm: Không trúng thầu.

Kể từ đầu năm 2017 đến ngày 26/7, KBNN đã huy động thành công hơn 140.914 tỷ đồng trái phiếu chính phủ qua đấu thầu tại HNX.

(Theo HNX ngày 26/7)

Đàm phán - Ký kết

Ngày 26/7, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) đã ký thỏa thuận hợp tác và công bố kết nối thành công dịch vụ thanh toán bằng thẻ nội địa (ATM) qua máy chấp nhận thẻ (POS) của PG Bank đặt tại hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex.

Theo đó, từ ngày 01/8, chủ thẻ ATM của 41 ngân hàng thành viên thuộc liên minh NAPAS có thể thực hiện thanh toán xăng dầu và hàng hóa/dịch vụ của Petrolimex tại hệ thống cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, giúp khách hàng không cần phải mang theo tiền mặt, an toàn khi giao dịch, tiết kiệm thời gian. (Theo Petrolimex và PG Bank ngày 26/7)

Ngày 28/7, Petrolimex và Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam (VNR) ký thỏa thuận hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh , giúp các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả tiềm năng lợi thế của nhau, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Trong thời gian tới, hai bên ưu tiên hợp tác trên 7 lĩnh vực chủ yếu gồm: Cung ứng xăng dầu và các sản phảm hóa dầu, dịch vụ vận tải, kinh doanh xăng dầu, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, truyền thông và các lĩnh vực khác. 

Ngoài ra, hai bên tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hiệu quả trong việc hợp tác, phát huy thế mạnh ở mọi lĩnh vực tiềm năng của các bên. (Theo TTXVN ngày 28/7)

Chính sách

Quyết định số 2719/QĐ-BCT

Ngày 19/7/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2719/QĐ-BCT phê duyệt khung giá bán buôn điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho các tổng công ty điện lực trong năm 2017.

- Tổng công ty Điện lực miền Bắc: 1.117 -1.173 đồng/kWh;

- Tổng công ty Điện lực miền Nam: 1.316 -1.348đồng/kWh;

- Tổng công ty Điện lực miền Trung: 1.139 - 1.209đồng/kWh;

- Tổng công ty Điện lực Hà Nội: 1.358 - 1.414 đồng/kWh;

- Tổng công ty Điện lực Hồ Chí Minh: 1.506 - 1.551 đồng/kWh.

Khung giá bán buôn điện bình quân nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và được áp dụng thực hiện từ ngày 01/01- 31/12/2017.

EVN quy định mức giá bán buôn điện bình quân cho các tổng công ty điện lực không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao hơnmức giá tối đa của khung giá bán buôn điện bình quân.