Kinh tế tháng đầu năm đã hồi phục tích cực
Đà hồi phục và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện rõ trong tháng 1/2010. Thị trường tiền tệ tương đối ổn định, lạm phát chưa quá đáng lo, dù nhu cầu phục vụ Tết góp phần làm tăng khoảng cách giữa xuất và nhập khẩu với mức nhập siêu ước đạt 1,3 tỷ USD, bằng 26,5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của nhiều bộ, ngành, địa phương trong cuộc họp giao ban sản xuất đầu tiên năm 2010 tại Hà Nội ngày 26/1 nhận định đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong tháng 1/2010 đã vượt xa đáy suy giảm vào quý I năm 2009 và nhu cầu tiêu dùng Tết Canh Dần sẽ góp phần thúc đẩy sức sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung khẳng định nền kinh tế tháng 1/2010 đã phục hồi tích cực, phần lớn các chỉ tiêu cơ bản đã vượt cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và tháng trước đó.
Đà sản xuất mạnh mẽ
Giá trị sản xuất công nghiệp cả nước tháng 1/2010 tuy chỉ bằng 95,4% so với tháng 12/2009 nhưng đã tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ là do tháng 1 năm ngoái, sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và thêm vào đó là nhiều ngày nghỉ Tết.
Năm nay, Tết Nguyên đán trùng vào tháng 2 nên tháng 1 này các ngành công nghiệp đều tập trung sản xuất phục vụ Tết và đáp ứng các đơn hàng đầu năm. Nhiều địa phương duy trì được tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao so với cùng kỳ như Vĩnh Phúc tăng 92,7%, Phú Thọ tăng 90,1%...
Nhìn chung, các địa phương có quy mô và tỷ trọng công nghiệp lớn đều đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, thấp nhất là Cần Thơ cũng tăng tới 14,9% so với cùng kỳ.
Đợt mưa khá lớn vừa qua rất quan trọng cho ngành sản xuất nông nghiệp và tiết kiệm đáng kể ngân sách dành để chống hạn cho cây trồng. So với cùng kỳ, diện tích gieo cấy lúa đông xuân đã tăng 3,2%, ngô tăng 0,4%, khoai lang tăng 20%... Khai thác thủy sản cũng tăng 5,6% và sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 4,2%.
Tuy nhiên, cuộc họp cho rằng sản xuất nông nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn về hạn hán, dịch bệnh gây hại cho cây trồng và vật nuôi. Do vậy, các địa phương và ngành liên quan cần tiếp tục các biện pháp cần thiết để đảm bảo sản xuất và giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.
Bảo đảm cung cầu và an sinh dịp Tết Nguyên đán
Mọi hoạt động thương mại dịch vụ trên thị trường đang ngày một nhộn nhịp khi mà Tết Canh Dần đã đến rất gần. Theo đại diện các bộ, ngành địa phương tại cuộc họp, hầu hết các nhà sản xuất, đại lý mặt hàng đều có chiến lược sản xuất và cung ứng sản phẩm, đảm bảo cung ứng tối đa nhu cầu tăng cao vào dịp Tết.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 1 năm nay ước sẽ tăng 3,8% so với tháng 12. Lượng hàng hóa lưu thông đã góp phần tích cực đến lĩnh vực dịch vụ vận tải. Sản lượng vận tải tháng 1 đã tăng 5% về tấn vận chuyển và 11,2% về tấn luân chuyển so với cùng kỳ năm 2009.
Nhu cầu phục vụ Tết cũng góp phần làm tăng khoảng cách giữa xuất và nhập khẩu với mức nhập siêu ước đạt 1,3 tỷ USD, bằng 26,5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong tháng 1, tổng kim ngạch xuất khẩu là 4,9 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ và tổng kim ngạch nhập khẩu là 6,2 tỷ USD, tăng 86,6%. Bên cạnh lý do phục vụ Tết kim ngạch nhập khẩu tăng còn do giá cả nhiều mặt hàng cao hơn nhiều so với cùng kỳ theo dấu hiệu phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Bộ Tài chính cho biết bên cạnh việc chỉ đạo hải quan các cấp phối hợp với quản lý thị trường trong chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hai Bộ Tài chính và Công Thương đang cùng nhau thực hiện quản lý giá trong dịp Tết, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng nâng giá tùy tiện.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, hiện nay đã có 25 tỉnh, thành phố thực hiện tạm ứng tài chính bằng nguồn ngân sách tại chỗ cho doanh nghiệp dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết với tổng số tiền tạm ứng khoảng 949 tỷ đồng. Số tiền này sẽ còn tiếp tục tăng theo tiến độ thực thi của các tỉnh, thành phố còn lại.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và các địa phương cũng đang tập trung nguồn lực cho các diện chính sách đón Tết.