Kinh tế thế giới: Đã hết “ốm”?

Nhật Nam

(Tài chính) Bước sang năm mới với những tín hiệu khả quan, đó là cơ sở để các định chế tài chính hàng đầu thế giới đưa ra nhận định lạc quan cho năm 2014. Đây có thể coi là “hàn thử biểu” để đo “sức khỏe” nền kinh tế thế giới…

Lạc quan trong gam trầm

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng của kinh tế thế giới trong năm 2014 theo 3 trụ cột chính: Sự tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế phát triển; Sự ổn định của các nước mới nổi và ngân hàng trung ương các nước tiếp tục chính sách kích thích kinh tế.

Ông Willem Buiter, chuyên gia kinh tế cao cấp của Tập đoàn Citi nhận định, 2014 là năm “cách mạng” của kinh tế thế giới, cho nên nhiều khả năng kinh tế toàn cầu đạt mức tăng trưởng 3,1%. Nhìn nhận ở khía cạnh lạc quan hơn, chuyên gia kinh tế từ các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Deutsche Bank, Morgan Stanley đều có chung dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ít nhất 3,4% trong năm 2014, khi Khu vực đồng Euro (Eurozone) hồi phục từ suy thoái và các thị trường mới nổi khác ổn định.

TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG GDP CỦA THẾ GIỚI GIAI ĐOẠN 2010 – 2014 (%)

 

Tăng trưởng thực tế (2010-2012)

Ước tăng trưởng năm 2013

Ước tăng trưởng năm 2014

Mỹ

2,4

1,8

2,5

Khu vực Euro

0,9

-0,3

0,8

Nhật Bản

2

0,8

1,5

Trung Quốc

9,2

7,5

7

Ấn Độ

6,8

4,2

4,4

Các nước đang phát triển ở châu Á

5,6

4,3

4,6

Brazil

3,5

2

2,3

Mexico

4,4

2,5

2,9

Trung Đông và Bắc Mỹ

4

1,8

2

Nga, Trung Á và Đông Nam Âu

4,6

2,9

2,5

Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi

6,4

4,7

4,6

                          Nguồn: Báo cáo thực trạng và triển vọng kinh tế thế giới của Liên Hợp Quốc

Cùng với những nhận định trên giữa tháng 12/2013, Liên Hợp Quốc công bố báo cáo thực trạng và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 cho thấy, tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến đạt khoảng 3% trong năm nay, cao hơn 0,6% so với năm 2013. Eurozone chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài trong khi kinh tế Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil, Mexico và các nước đang phát triển ở châu Á đang có dấu hiệu khởi sắc, là những yếu tố kích thích kinh tế thế giới tăng trưởng.

Mỹ nền kinh tế số một thế giới đang có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực. Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 2014 của Cơ quan Nghiên cứu về tình báo kinh tế - EIU thuộc Tạp chí The Economist - Anh dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2014 là 2,6%, nhờ vào chính sách nới lỏng tiền tệ định lượng làm cho giá cả các mặt hàng ổn định hơn, cộng với thị trường lao động và nhà ở tại nước này đang có dấu hiệu hồi phục khả quan.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc đánh giá về nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới – Nhật Bản lại có những nhận định tốt đẹp nhờ chương trình cải cách kinh tế mở  rộng của Thủ tướng Shinzo Abe đạt kết quả tốt, qua đó, đẩy nhanh đà phục hồi kinh tế. Liên Hợp Quốc dự báo, GDP của Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,5% vào năm 2014.

Tốc độ tăng trưởng Trung Quốc lại có chiều hướng giảm tốc khi Liên Hợp Quốc đưa ra nhận định, GDP nước thứ hai thế giới chỉ đạt ở mức 7% vào năm 2014 sau khi đạt 7,5% trong năm 2013. Lý giải cho sự giảm tốc này là do Chính phủ Trung Quốc thực hiện thắt chặt tín dụng và tiếp tục ưu tiên duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững. Trong khi đó, sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, kinh tế Ấn Độ đang được cải thiện. Theo EIU, GDP của Ấn Độ dự kiến tăng 6% trong năm 2014.

Riêng các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, Liên Hợp Quốc nhận định, triển vọng tăng trưởng của các nước này vẫn còn mong manh khi nhu cầu nội địa yếu, bất bình đẳng gia tăng...

Tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Mặc dù những dấu hiệu tích cực trên khiến dư luận lạc quan hơn về “bức tranh” kinh tế toàn cầu năm 2014, song trên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng định lượng (QE) nhằm phục hồi nền kinh tế của nước này và thị trường Mỹ.

Thứ hai, để đối phó với “bài toán” nợ công, Eurozone vẫn phải duy trì chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp vẫn ở mức báo động trên 12%.

Thứ ba, hệ thống ngân hàng cho vay dễ dãi dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng các khoản nợ trong các hộ gia đình và nợ doanh nghiệp tại một số nước ở khu vực Đông Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Brazil.

Có thể nói, mặc dù kinh tế toàn cầu đã có những tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động đến tốc độ tăng trưởng vững chắc của kinh tế thế giới khi “bài toán” nợ công ở châu Âu vẫn chưa được giải quyết và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ, Eurozone các nền kinh tế ở châu Á vẫn còn ở mức cao…

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 - 2013