Kinh tế thế giới năm 2022: Hy vọng bức tranh tươi sáng hơn
2021 là năm thứ hai cả thế giới đối phó với đại dịch COVID-19. Trong năm qua đa số các nước đều đã bước vào giai đoạn thích ứng với dịch bệnh, cố gắng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới để từng bước phục hồi kinh tế, song tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn với các loại biến chủng mới xuất hiện, các nền kinh tế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với một số tín hiệu tích cực trong kiểm soát dịch bệnh và quyết tâm chấm dứt đại dịch trong năm 2022, đặc biệt là nỗ lực của các nước trong việc điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, phục hồi nền kinh tế, hy vọng về một bức tranh tươi sáng hơn cho nền kinh tế thế giới năm 2022 đang dần hiện rõ.
2021: Thích ứng và phục hồi
Vượt qua những cú sốc ban đầu khi dịch bệnh mới bùng phát năm 2020, sang năm 2021 thế giới đã có nhiều nỗ lực để thích ứng với dịch bệnh, phục hồi nền kinh tế. Trên nền tảng triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng, mặc dù ở một số nước, một số nơi vẫn phải áp dụng các biện pháp hạn chế, phong tỏa, song đa phần các nước đã cố gắng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, bảo đảm các hoạt động sản xuất, vận tải, kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng… được hoạt động thông suốt.
Bên cạnh đó, một số nước còn triển khai các chương trình hỗ trợ với quy mô khác nhau nhằm trợ giúp cho các ngành sản xuất kinh doanh và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kích thích tiêu dùng, tăng cầu của thị trường, từ đó từng bước khôi phục lại tăng trưởng của nền kinh tế.
Chẳng hạn tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, Chính phủ đã đề xuất gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD từ tháng 3 năm nay và đã nhanh chóng được hai viện của Quốc hội thông qua. Gói kích thích này cộng với gói kích thích tháng 12/2020 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân Mỹ, giúp họ có thêm nguồn lực để chi tiêu và từ đó kích thích các ngành sản xuất phục hồi.
Trong khi đó, một số nền kinh tế khác lại có các điều chỉnh vĩ mô dựa trên các biện pháp hành chính, tập trung vào ngăn chặn, xử lý các rủi ro đối với nền kinh tế. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Chính phủ trong năm 2021 đã không ưu tiên cho các gói kích cầu lớn mà tập trung vào xử lý nợ và bong bóng tài sản, đặt mục tiêu cao cho việc bảo đảm nền kinh tế vận hành ổn định.
Nhìn chung, nhờ những chính sách vĩ mô nhằm kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế được đề ra căn cứ trên điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, kinh tế thế giới trong năm qua đã xuất hiện những tín hiệu, chỉ số khả quan hơn. Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trở lại trong hai quý đầu năm, lần lượt là 6,3 và 6,5% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm nay ở mức 5,5%. Đây là những con số đáng ghi nhận sau khi đại dịch đã khiến cho Mỹ mất 22 triệu việc làm vào đầu năm nay còn kinh tế năm 2020 tăng trưởng âm 3,4%. Tại Trung Quốc, quý I năm nay tăng trưởng kinh tế của nước này lên tới 18,3%, quý II là 7,9%, dự kiến cả năm nay sẽ ở mức 8%, vượt chỉ tiêu kỳ vọng 6% do Quốc hội Trung Quốc đặt ra trong kỳ họp Lưỡng hội đầu năm nay.
Các nền kinh tế lớn khác như EU, ASEAN, Ấn Độ… cũng đều ghi nhận các chỉ số khả quan hơn. EU dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 5% trong năm nay, trong khi Ấn Độ cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ở mức 8,4% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn trên.
Với ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đưa ra dự báo tăng trưởng với khu vực ở mức 3,1% trong năm nay, sau khi hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều tăng trưởng âm trong năm 2020.
2022: Lạc quan thận trọng
Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan đối với nền kinh tế thế giới trong năm qua, song sự phục hồi vẫn còn chưa vững chắc và tiềm ẩn nhiều thách thức. Các số liệu cho thấy, sau các quý đầu tăng trưởng ấn tượng, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc đều giảm dần, kinh tế Mỹ chỉ còn tăng trưởng 2,3% trong quý III, trong khi kinh tế Trung Quốc giảm xuống còn 4,9%.
Xu hướng giảm dần này khiến cho các tổ chức nghiên cứu kinh tế hầu hết đều phải hạ thấp dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế so với các dự báo lạc quan hơn đưa ra hồi đầu năm. Bên cạnh đó, đáng chú ý là gói kích thích kinh tế ở một số nước đã gây ra các tác dụng phụ, đẩy lạm phát tại một số nền kinh tế lên mức cao.
Tại Mỹ, lạm phát được ghi nhận tăng cao nhất trong 40 năm qua, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) cũng tăng 9,6%, mức tăng mạnh nhất kể từ 2010. Nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Mỹ hiện nay là lạm phát và điều này khiến cho ngay cả giới chủ ở Mỹ cũng lo lắng, chưa nói tới những tác động đối với người nghèo khi phải đối mặt với giá cả leo thang chóng mặt.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng mang tên Evergrande đang gây ra hệ lụy lớn, kéo theo sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, lĩnh vực vốn chiếm tỉ trọng đáng kể trong nền kinh tế của nước này. Điều đáng nói nhất là dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp diễn khá dai dẳng, cho dù tỷ lệ tiêm vắc xin đã tăng lên đáng kể ở hầu hết các nước, song sự xuất hiện của các biến chủng mới, gần đây nhất là biến chủng Omicron đã khiến cho một số nước lo ngại và gia tăng các biện pháp kiểm soát, thậm chí một số nước đã xem xét lại các kế hoạch mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu khả quan, những động lực mới để nền kinh tế tận dụng vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới.
Đầu tiên và quan trọng nhất chính là sau hai năm đối phó với dịch bệnh, các nước đã có nhiều kinh nghiệm cũng như nỗ lực cao hơn để đẩy lùi đại dịch, thậm chí có cả quyết tâm kết thúc đại dịch ngay trong năm 2022. Quyết tâm này đến từ WHO khi người đứng đầu tổ chức về y tế lớn nhất thế giới trong phát biểu mới đây tại Thụy Sĩ đã cho rằng năm 2022 là năm chúng ta phải kết thúc đại dịch. Mặc dù tương lai vẫn ở phía trước nhưng thế giới kỳ vọng quyết tâm này sẽ biến thành hiện thực.
Thứ hai, trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường mới, các quốc gia sẽ dần mở cửa trở lại, các hoạt động kinh tế, thương mại, vận tải, du lịch… sẽ được nối lại đầy đủ hơn. Nhu cầu và sức sản xuất sẽ có điều kiện để phục hồi, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Hiện nay, đa số các nước đã xác định chính sách sống chung với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới, các chuyến bay quốc tế sẽ dần được nối lại, các hoạt động dịch vụ, du lịch sẽ khởi sắc hơn, góp phần vào tăng trưởng của mỗi nước cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, hợp tác quốc tế nhất là về kinh tế được tăng cường; các chương trình đầu tư, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh; việc thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương… sẽ giúp các nước giảm bớt các hàng rào thuế quan, tăng cường trao đổi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 đã đủ điều kiện về số nước phê chuẩn/phê duyệt và sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2022. Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường khổng lồ với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD. Hiệp định này sẽ tạo thuận lợi to lớn cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế của các nước thành viên sau đại dịch COVID-19, trong đó có Việt Nam.
Với các điều kiện trên, cùng với nỗ lực của mỗi nền kinh tế, chúng ta kỳ vọng và tin tưởng 2022 thế giới sẽ đối phó tốt hơn với dịch bệnh, cuộc sống của người dân trên toàn cầu trở lại trạng thái bình thường; các hoạt động giao lưu, kinh doanh, thương mại sẽ dần được nối lại đầy đủ. Triển vọng về một bức tranh tươi sáng hơn đối với nền kinh tế thế giới năm 2022 sẽ ngày càng hiện rõ.