Kinh tế thế giới: Những điểm nóng trong năm 2014
(Tài chính) Nhân loại đã bước sang những ngày đầu tiên của năm 2015, tuy nhiên, những điểm nóng của kinh tế thế giới năm 2014 dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cuộc chiến giá dầu
Dầu mỏ chính là chủ đề nóng nhất của thế giới trong năm 2014. Kể từ tháng 6/2014, giá dầu mỏ liên tục tụt dốc không phanh. Khép lại năm 2014, dầu thô WTI trên thị trường New York đứng ở mức 53,27 USD, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 5/2009. Tính chung cả năm, dầu WTI đã giảm 46%. Loại dầu này đã từng tăng lên mức cao nhất trong năm là 107,73 USD/thùng vào ngày 20/6. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu sụt giảm mạnh là nguồn cung dầu trên thế giới vượt xa nhu cầu tiêu thụ.
Chính công nghệ khai thác dầu cát tại Canada và dầu đá phiến tại Mỹ đã góp phần hỗ trợ nguồn cung dầu dư thừa trên thị trường thế giới. Đặc biệt, Mỹ đã từng bước chủ động được nguồn cung và trở thành nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, phá vỡ vị thế độc quyền của các nước thuộc Tổ chức các xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Để cạnh tranh giành thị phần, bất chấp giá dầu sụt giảm, bất chấp lời kêu gọi từ Nga, OPEC vẫn khăng khăng giữ nguyên sản lượng khai thác.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng, các nước lớn có thể đang sử dụng công cụ giá dầu mỏ để tấn công lẫn nhau. Giá dầu hỏa thế giới lao dốc khiến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu lửa như Nga, Iran, Venezuela gặp nhiều khó khăn, trong khi một số quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc lại hưởng lợi.
Khủng hoảng Ukraine và những tác động tiêu cực
Năm 2014, thế giới phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng và xung đột tạo ra môi trường không thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong đó, cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay được coi là cuộc khủng hoảng đã và đang gây tác động mạnh nhất đến kinh tế thế giới.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã đẩy mối quan hệ giữa Nga và phương Tây tới mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cáo buộc Nga can thiệp vào Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, tài chính và quốc phòng của Nga, cấm thị thực đối với một số quan chức Nga và Ukraine. Đáp lại, Nga cũng đã ra lệnh cấm nhập khẩu nông sản, thịt, các sản phẩm từ sữa từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Với các động thái trả đũa của đôi bên, cả nền kinh tế Nga và EU đều đang phải hứng chịu nhiều tác động nặng nề.
Kinh tế Nga lao dốc
Chịu tác động tiêu cực từ việc giá dầu giảm và cuộc khủng hoảng Ukraine, kinh tế Nga đã có dấu hiệu suy thoái từ cuối năm 2014. Số vốn chảy khỏi nền kinh tế Nga ước tính lên tới 150 tỷ USD trong năm 2014. Các biện pháp trừng phạt của Phương Tây cộng với giá dầu sụt giảm (dầu thô chiếm 50% ngân sách của Nga) đã đẩy đồng ruble mất giá hơn 40% so với đồng USD xuống mức thấp kỷ lục, có lúc chỉ còn 80 ruble đổi 1 USD.
Theo IMF, kinh tế Nga sụt giảm mạnh, chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm 2014 và có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2015.
Kinh tế Mỹ phục hồi vững chắc
Năm 2014 là năm chứng kiến sự phục hồi ấn tượng của nền kinh tế Mỹ, sau những năm dài tụt dốc vì hậu khủng hoảng và bội chi cho các cuộc chiến tại nước ngoài... Số liệu chính thức được Chính phủ Mỹ công bố ngày 23/12/2014 cho thấy kinh tế nước này bất ngờ tăng trưởng 5% trong quý III/2014. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ quý III/2003 và tăng cao hơn mức ước tính 3,9% được đưa ra ban đầu.
Với thành tích ấn tượng như trên, nền kinh tế Mỹ được nhìn nhận là đang dẫn đầu xu hướng phục hồi kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế Mỹ ngày càng toàn diện và tự chủ cũng đã hỗ trợ USD lên giá.
Năm 2014 được ghi nhận là năm tăng giá mạnh nhất của USD so với các đồng tiền mạnh khác trong hơn 10 năm qua. Chỉ số USD, theo dõi biến động tỷ giá của USD với một giỏ đồng tiền mạnh khác, tăng hơn 12% trong cả năm 2014, lên 83,04 điểm - mức cao nhất kể tháng 9/2003.
Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái
Nhật Bản – một đàu tầu khác của kinh tế thế giới – gần như không tăng trưởng trong cả năm 2014. Trong quý III/2014, GDP của nước này đã giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã bất ngờ rơi vào suy thoái kỹ thuật sau hai quý sụt giảm liên tiếp (quý II/2014, GDP Nhật Bản cũng giảm 7,3%). Trước đó, Nhật Bản đã thoát khỏi suy thoái trong những tháng cuối của năm 2012 ngay trước khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền, với một chính sách phục hồi đầy tham vọng. Tuy nhiên, sau bước khởi đầu đáng khích lệ và đạt tăng trưởng 1,5% năm 2013, chính sách phục hồi kinh tế của ông Abe đang bị thử thách và một trong những nguyên nhân chính của việc Nhật Bản suy thoái trở lại là việc tăng thuế tiêu thụ hồi tháng 4/2014.
Dịch Ebola ảnh hưởng kinh tế Tây Phi
Trong năm 2014, căn bệnh Ebola lan rộng không chỉ cướp đi sinh mạng hàng ngàn người mà còn tàn phá nền kinh tế Tây Phi và ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, theo WB, yếu tố tác động nghiêm trọng nhất tới kinh tế không phải là bệnh dịch mà là nỗi sợ hãi. Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết, thiệt hại kinh tế của sự sợ hãi cao hơn rất nhiều so với chi phí y tế. Khi sợ hãi và lo lắng, người tiêu dùng hạn chế đi máy bay, thay đổi kế hoạch nghỉ mát, doanh nghiệp thay đổi đầu mối kinh doanh... Biến động xảy ra trong một thế giới liên kết như hiện nay, sẽ khiến tăng trưởng GDP tụt xa hơn. WB cảnh báo nếu dịch bệnh không được nhanh chóng kiểm soát và tiếp tục đà lây lan như hiện nay thì nền kinh tế châu Phi sẽ phải chịu thiệt hại lên tới 32,6 tỷ USD vào năm 2015.Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015