Kinh tế toàn cầu năm 2023: Điểm sáng trên mảng màu u ám
Năm 2022 được đánh giá là năm khá ảm đạm với nền kinh tế toàn cầu. Hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán, thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với những rủi ro về suy thoái kinh tế, tuy nhiên bức tranh kinh tế sẽ không quá bi quan như nhiều người vẫn nghĩ.
Những nhân tố bất ổn
Theo dự báo của Bloomberg Economics, lịch sử đã cho thấy các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái, cùng với đó, giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng. Tất cả điều đó có thể xảy ra cùng lúc, và khi ấy, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ bốc hơi khoảng 5.000 tỷ USD. Viễn cảnh ảm đạm đó đã xuất hiện dần trong năm nay. Giai đoạn lãi suất thấp, nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, địa chính trị ít biến động là những yếu tố then chốt mang lại nhiều thập kỷ tăng trưởng và giá cả ổn định cho thế giới. Tất cả những biến số này đã biến mất năm nay, khiến lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và thị trường tài chính tổn thất đến hàng nghìn tỷ.
Lãi suất cơ bản của Fed dự kiến đạt 5% vào đầu năm 2023, tăng từ mức gần 0 vào đầu năm nay. Việc Fed thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ đã và đang làm tổn hại kinh tế Mỹ và thế giới. Với chi phí đi vay cao hơn, các ngành như bất động sản, ô tô đang bị ảnh hưởng, dự báo Mỹ suy thoái vào nửa cuối năm 2023, và hơn 2 triệu người Mỹ có thể sẽ mất việc. Tình hình có thể khả quan nếu lạm phát biến mất nhanh chóng, ngược lại nó sẽ xấu đi khi đại dịch khiến thị trường lao động rơi vào tình trạng khủng hoảng, đẩy "tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên" lên cao hơn mức đã có trong những năm gần đây. Nếu tình trạng này xảy ra ở Mỹ, Fed có thể phải tăng lãi suất cao tới 6%, và đẩy nền kinh tế nước này vào cuộc suy thoái dài và sâu hơn. Khó khăn sẽ nhân rộng trên toàn thế giới, vì hầu hết quốc gia đều có chung vấn đề lạm phát và các ngân hàng trung ương cũng đang theo con đường tương tự Fed để khắc phục.
Bên cạnh đó, vấn đề rủi ro công nợ cũng đáng lo ngại. Khi tốc độ tăng trưởng cao hơn lãi suất, chi phí đi vay ít hơn. Do đó, Chính phủ các nước đã tích cực vay nợ. Tổng nợ của nhóm G7 tăng từ 81% GDP năm 2007 lên 128% GDP năm 2022. Tuy nhiên, hiện tăng trưởng đang chậm lại trong khi lãi suất lại đi lên, điều này đồng nghĩa với việc một số nền kinh tế lớn có thể rơi vào quỹ đạo nợ không bền vững, trừ khi họ thực hiện những điều chỉnh tài khóa khó khăn. Các nhà đầu tư đang theo dõi Italy, nơi mức chi trả nợ (số tiền cần trả gồm gốc và lãi) dự kiến tăng lên 7% GDP vào năm 2030, từ 3% vào năm 2019. Italy có thể sẽ không vỡ nợ, nhưng để tránh được hệ quả đó có thể cần một giải pháp khắc phục ở cấp độ châu Âu, và đây chắc chắn không phải một hành trình đơn giản.
Vấn đề khủng hoảng năng lượng ở châu Âu cũng là một bài toán khó trong năm 2023. Bloomberg Economics dự báo, chi phí năng lượng cao và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất sẽ đẩy khối này vào suy thoái, với GDP giảm 0,1% vào năm tới. Nếu như thời tiết tốt cùng với các chính sách đưa khí đốt khan hiếm đến đúng nơi thì châu Âu có thể tránh được suy thoái. Nếu không có cả hai, kinh tế châu Âu sẽ co lại tương đương với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Và những điểm sáng
Bên cạnh những lo ngại về một kịch bản kinh tế ảm đạm vào năm tới, các chuyên gia kinh tế vẫn chỉ ra được những triển vọng. Nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Morgan Stanley Seth B. Carpenter cho biết: “12 tháng qua đã chứng kiến mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1981 và mức tăng nhanh nhất của lãi suất của ECB kể từ khi thành lập Khu vực đồng tiền chung. Nhưng khi chuỗi cung ứng của hàng tiêu dùng phục hồi và thị trường lao động bớt xung đột hơn, chúng ta có thể thấy lạm phát giảm mạnh hơn và rộng hơn, điều này có nghĩa là một con đường dễ dàng hơn cho chính sách và tăng trưởng cao hơn trên toàn cầu”. Điều này sẽ thúc đẩy các ngân hàng Trung ương lớn để tạm dừng và đánh giá lại chuỗi tăng lãi suất lịch sử gần đây của họ.
Theo The Wall Street Journal, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đạt khoảng 2% trong năm 2023, giảm đáng kể so với năm trước và thấp hơn nhiều với mức bình quân 3,3% giai đoạn trước đại dịch. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng này, sản lượng kinh tế trên đầu người sẽ vẫn tăng nhẹ. Theo S&P Global, chỉ số sản lượng tổng hợp của Mỹ, bao gồm hoạt động sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 46,3 điểm trong tháng 11 so với 48,2 điểm của tháng 10 - mức giảm nhanh nhất kể từ năm 2009. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Mỹ cho biết áp lực lạm phát đã được giải tỏa phần nào trong tháng 11 khi giá vật liệu thô và chi phí vận chuyển giảm xuống.
Thị trường lao động được thắt chặt và bảng cân đối tài chính hộ gia đình vẫn ở mức tốt đang hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng. Triển vọng tăng trưởng của Mỹ phụ thuộc một phần vào việc nền kinh tế nước này vượt qua các đợt tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát của Fed như thế nào.
Trong khi đó, ở châu Âu, những gián đoạn kinh tế do Nga siết cung năng lượng đã giảm bớt và không nghiêm trọng nhiều nhà phân tích lo ngại trước đó. Nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp tại châu Âu đang dần thích nghi với tình hình, với các biện pháp như giảm tiêu thụ năng lượng. Các chính phủ châu Âu cũng đã tung ra các gói hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình lớn hơn dự báo để giúp họ ứng phó với chi phí năng lượng, thực phẩm tăng cao.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ trải qua các đợt suy thoái tương đối ngắn, không quá nghiêm trọng và có thể tăng trưởng trở lại sớm nhất vào quý IV/2023. Hy vọng cho năm 2023, Fed có thể "hạ cánh mềm", và thời tiết ấm áp có thể giúp châu Âu thoát khỏi suy thoái.
Châu Á - nền kinh tế đầy triển vọng
Trái ngược với dự báo cho các nền kinh tế phương Tây, châu Á có thể mang lại những mầm xanh cho tăng trưởng, đặc biệt là ở Ấn Độ và các nền kinh tế thị trường mới nổi có thể hưởng lợi hơn nữa khi Fed đạt được mức lãi suất cao nhất và đồng đô la giảm giá. Triển vọng của châu Á trong năm tới tương đối lạc quan, với ba trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới dẫn đầu gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Tại Trung Quốc, phục hồi tiêu dùng cá nhân có thể dẫn đến sự phục hồi khiêm tốn của nền kinh tế trong năm tới. Các nhà kinh tế cho biết, họ dự báo mức tăng trưởng 5% vào năm 2023, trong đó phần lớn sẽ đến vào nửa cuối năm, khi nền kinh tế dự kiến sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn sau khi quốc gia này dần nới lỏng chính sách Zero-COVID. Điều này thể hiện sự cải thiện đáng kể so với dự báo tăng trưởng 3,2% của chúng tôi đối với Trung Quốc vào năm 2022, đây cũng mức giảm mạnh so với mức tăng trưởng trung bình trong thập kỷ qua.
Tại Nhật Bản, nền kinh tế phát triển tốt và dân số già đã giữ cho tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định ngay cả trong môi trường vĩ mô toàn cầu tốt nhất. Cuối cùng, dự báo tăng trưởng GDP 1,2% của Morgan Stanley cho năm 2023 là tích cực, mặc dù không được đồng thuận. Nhà kinh tế trưởng Nhật Bản Takeshi Yamaguchi cho biết, các hộ gia đình có lượng tiền mặt và tiền gửi dư thừa đáng kể sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong năm tới.
Trong khi đó, ở Ấn Độ được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, GDP dự kiến đang trên đà tăng trưởng 6,2% vào năm 2023 và 6,4% vào năm 2024, trong khi ba xu hướng lớn, được củng cố bởi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến của đất nước, đưa Ấn Độ vào con đường vượt qua Nhật Bản, Đức và trở thành quốc gia hàng đầu thế giới. Nhà kinh tế trưởng Ấn Độ Upasana Chachra cho biết: “Ấn Độ có các điều kiện sẵn sàng cho sự bùng nổ kinh tế, được thúc đẩy bởi hoạt động thuê ngoài, đầu tư vào sản xuất và chuyển đổi năng lượng”.
Sức mạnh tăng trưởng không chỉ giới hạn ở các nền kinh tế lớn nhất châu Á. Nhiều quốc gia trong khu vực đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng trong năm tới và điều đó có thể chứng tỏ sự tích cực đối với phần còn lại của nền kinh tế thế giới.
Quá trình bình thường hóa nhanh chóng ở châu Á có thể thúc đẩy nhiều làn sóng: thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu ở châu Âu; cải thiện chuỗi cung ứng và đến lượt nó, đưa ra một liều thuốc giải độc cho lạm phát; và cho phép các thị trường mới nổi thoát ra khỏi chu kỳ bị chi phối bởi sức mạnh của đồng đô la Mỹ.