Kinh tế Trung Quốc 2024: Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc yêu cầu đưa ra nhiều chính sách hơn để củng cố tăng trưởng và việc làm, cũng như nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế...
Trung Quốc cho biết sự phát triển của nước này là ưu tiên chính trị lớn nhất sau khi Hội nghị Công tác kinh tế trung ương thường niên kết thúc, báo hiệu xu hướng nghiêng mạnh về tăng trưởng kinh tế vào năm 2024.
Và để đạt được mục tiêu đó, giới lãnh đạo đã cam kết phối hợp nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng và tăng cường phối hợp, bao gồm cả các chính sách phi kinh tế, để mang lại sự ổn định kinh tế rất cần thiết trong thời điểm có nhiều bất ổn và khó khăn đáng kể.
Theo các chuyên gia kinh tế, một điểm đáng chú ý là về công tác kinh tế năm 2024, hội nghị kêu gọi củng cố sự ổn định thông qua tiến bộ, "xây dựng cái mới trước khi xóa bỏ cái cũ". Hội nghị yêu cầu đưa ra nhiều chính sách hơn để giúp ổn định kỳ vọng, củng cố tăng trưởng và việc làm, cũng như nỗ lực tích cực nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điều chỉnh cơ cấu, cải thiện chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã đưa cụm từ "xây dựng cái mới trước khi xóa bỏ cái cũ" vào nguyên tắc chỉ đạo để xây dựng chính sách và các chương trình cải cách trong năm tới, bao gồm cả “tìm kiếm tiến bộ trong khi duy trì sự ổn định”, và "theo đuổi sự ổn định thông qua tăng trưởng”.
Một số nhà phân tích coi đây là một dấu hiệu khác cho thấy Bắc Kinh sẽ chú trọng hơn đến tăng trưởng trong năm tới khi nước này cố gắng tìm kiếm sự cân bằng tốt hơn giữa các mục tiêu là an ninh quốc gia và phát triển.
Trên thực tế, chính quyền trung ương Trung Quốc lần đầu tiên đề cập đến cụm từ này trong cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 7 năm 2021 khi họ lo ngại rằng chiến dịch khử cacbon của Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Sau cuộc họp đó, Trung Quốc đã làm chậm lại chiến dịch bằng cách nới lỏng tốc độ đóng cửa các mỏ than và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Tại hội nghị thường niên năm 2021, các nhà lãnh đạo tiếp tục nhấn mạnh cụm từ đó trong các bài phát biểu của họ.
Nhiều ý kiến suy đoán rằng việc xây dựng cái mới trước khi xóa bỏ cái cũ được nhấn mạnh một lần nữa cho thấy một suy nghĩ mới về cách đối phó với thị trường bất động sản đang sụt giảm, nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng và các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ đang gặp khó khăn. Đây là ba trong số nhiều thách thức mà Bắc Kinh cần phải giải quyết để khôi phục sức mạnh kinh tế.
Đặc biệt, điều này có thể báo hiệu sự thay đổi chính sách đối với thị trường bất động sản, trong đó một số nhà phát triển bất động sản hàng đầu đã vỡ nợ trong bối cảnh giá giảm. Điều này đã cản trở nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế vào năm 2024.
Một trong những điểm đáng chú ý khác là các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rõ ràng tham vọng của họ trong việc thúc đẩy các công nghệ tiên tiến, bao gồm hàng không vũ trụ, chuyến bay thương mại vào vũ trụ và khoa học lượng tử, coi những lĩnh vực này là nguồn tăng trưởng kinh tế mới.
Điều này được đưa ra sau khi các cơ quan không gian của Trung Quốc cho biết rằng thành công của SpaceX đặt ra một “thách thức chưa từng có”. Theo ông Wu Xinjian, Giám đốc một vườn ươm và tư vấn công nghệ có trụ sở tại Thượng Hải: “Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong các nghiên cứu và phát triển liên quan, nhưng việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân lại là một câu chuyện khác”.
Trung Quốc đang cố gắng duy trì con đường tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2035. Điều này có nghĩa là nền kinh tế phải tăng trưởng ít nhất 4,8% mỗi năm. Một số cố vấn chính phủ và nhà kinh tế cho biết họ kỳ vọng Bắc Kinh sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 5% – giống như mục tiêu đặt ra cho năm 2023 – với điều kiện có nhiều chính sách mở rộng hơn.
“Bắc Kinh nhận ra rằng họ không thể chỉ dựa vào các chính sách kích thích mạnh mẽ để thúc đẩy kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp", ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered, cho biết và nhấn mạnh cần tạo ra động lực nội tại cho nền kinh tế thông qua những cải cách và mở cửa rộng hơn.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết mối lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cam kết sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường đối với lĩnh vực viễn thông và chăm sóc y tế, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến luồng dữ liệu xuyên biên giới và hoạt động mua sắm của chính phủ.
Alex Ma, giáo sư hành chính công tại Đại học Bắc Kinh cho biết: “Cần phá bỏ các rào cản để người nước ngoài nhập cảnh dễ dàng hơn và vẫn còn phải xem liệu các bộ phận kinh tế phi chính thức có nhanh chóng làm việc song song với các bộ phận kinh tế hay không”.