Kinh tế tuần hoàn, nguồn vốn con người và hợp tác công tư trong phát triển bền vững


Sáng 12/9, Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” đã khai mạc tại Hà Nội. Kinh tế tuần hoàn, phát triển nguồn vốn con người và hợp tác công tư để phát triển bền vững là 3 vấn đề trọng tâm được thảo luận tại hội nghị.

Các mục tiêu toàn cầu vì phát triển bền vững rất cần được triển khai tại Việt Nam.
Các mục tiêu toàn cầu vì phát triển bền vững rất cần được triển khai tại Việt Nam.

Hội nghị năm nay được đặt trong bối cảnh 10 năm tới (2020-2030). Đây là thời điểm quan trọng được coi là “nước rút” để Việt Nam hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững. Những kiến nghị từ hội nghị được kỳ vọng sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, với tầm nhìn và chính sách mới, để đưa đất nước bước vào một thập niên Phát triển bền vững hơn.

Hội thảo chuyên đề sáng 12/9/2019.
Hội thảo chuyên đề sáng 12/9/2019.

Hội nghị do Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới tổ chức, với sự tham gia chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp nhằm mục đích chia sẻ các giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển nguồn vốn con người, xây dựng một nền kinh tế phi phát thải (CE), thúc đẩy các mô hình kinh tế bền vững giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Những giải pháp được chia sẻ tại Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực cho nội dung Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 với tầm nhìn và chính sách mới nhằm đưa đất nước tiến xa hơn tới một thập kỷ phát triển bền vững hơn. Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề:

Phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020-2030 với mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu;

Quan hệ đối tác công tư: Nhu cầu thực tiễn và định hướng chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững;

Nguồn vốn nhân lực: Chỉ số vốn con người, vai trò lãnh đạo bền vững và điều phối cấp Nhà nước trong dài hạn.

Báo cáo đáng chú ý tại hội nghị này như “Nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường quan hệ đối tác công tư hướng tới thập niên phát triển bền vững hơn” do TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD).

Báo cáo nhấn mạnh, để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giúp thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) mạnh mẽ hơn nữa; cũng như sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP để thay đổi mô hình PPP như hiện nay.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thay đổi cách thức quản lý và nâng cao năng lực để tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư theo hình thức PPP, thu hút các nhà đầu tư mới.

Ngoài ra có các báo cáo: Xây dựng nguồn vốn con người tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030; Đột phá khoa học công nghệ trong tiến trình phát triển bền vững 2020-2030; Hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn trong thập niên 2020-2030 là nội dung phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Tại Hội nghị, chia sẻ về chủ đề “Tăng trưởng bao trùm: phát triển vốn nhân lực tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030”, ông Daniel Dulitzky, Giám đốc Chương trình phát triển con người khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Việt Nam đang thực hiện tốt các Chỉ số vốn nhân lực nhưng cũng đang phải đối mặt với 2 thách thức chính trong việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để vượt qua thách thức này, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách cho các nhóm dân tộc thiểu số và tăng cường phát triển lực lượng lao động.

Đại diện WB cũng đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là cải cách các chương trình mục tiêu quốc gia; cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để từ đó tạo nên kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Hội nghị còn là nơi đại diện cộng đồng doanh nghiệp thông tin và gửi kiến nghị lên chính phủ, các cấp quản lý để tháo gỡ rào cản và thúc đẩy phát triển bền vững...

Phiên toàn thể buổi chiều do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và phát biểu chỉ đạo, với sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu. Tại phiên này sẽ có 5 báo cáo quan trọng và các phiên thảo luận chuyên sâu. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Văn Trung, sẽ trình bày về các mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2020-2030.