Hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn

PV.

Ngày 27/7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Nền kinh tế tuần hoàn: Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường”.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ về tình trạng ô nhiễm môi trường, do hoạt động khai thác khoáng sản thiếu sự quản lý chặt chẽ ở các địa phương; việc thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất công nghiệp…đúng quy chuẩn còn thấp... Cụ thể:

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh: Sự quan tâm, chủ động của doanh nghiệp về đổi mới phương thức kinh doanh thông qua việc tuân thủ tốt quy định pháp luật bảo vệ môi trường, có tác động rất lớn đến gia tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh, củng cố hình ảnh và vị thế thị trường.

Tổng Giám đốc Công ty Dow tại Việt Nam - Ông Sasama Tomoyuki cũng cho rằng, quá trình chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết đối với xã hội để tiến tới mức tiêu thụ bền vững.

Bởi theo ông Sasama Tomoyuki, các nguyên liệu vốn trước đây được coi là chất thải có khả năng được biến thành các sản phẩm mới và được sử dụng cho mục đích khác. Đáng chú ý là những phát minh trong ngành hóa học đã giúp chuyển đổi chất thải thành nguyên liệu.

Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết: Một trong những lợi ích lớn nhất khi thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn là các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Nền kinh tế tuần hoàn hiện được Chính phủ rất coi trọng với một chiến lược mang tính dài hạn và cần loại bỏ tư duy kinh doanh sản xuất “sử dụng – loại bỏ” đầy lãng phí và thiếu bền vững.

Tuy nhiên, nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn còn khá mới mẻ tại Việt Nam và để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển hiệu quả cần có sự đồng thuận của cả Nhà nước, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Nghĩa là cần quyết liệt và cụ thể hơn trong việc tạo ra một cơ chế chính sách khuyến khích các hoạt động có lợi cho xã hội và xử phạt những hành động có hại.