Cẩn trọng trước bão giá cổ phiếu

Theo Minh Khuê/vnbusiness.vn

Sức hấp dẫn của các cổ phiếu cứ mua là có lãi từ hơn nửa năm nay đang trở thành hấp lực lôi kéo các nhà đầu tư mới, với kỳ vọng sẽ kiếm bẫm. Tuy nhiên, sự hưng phấn này vô tình biến nhà đầu tư trở thành miếng mồi cho các “đội lái”, bởi nhiều cổ phiếu có thể bị "làm giá".

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cú sốc Covid-19 đã làm cho thị trường chứng khoán ngày càng tỏa sáng và thu hút được sự chú ý của công chúng, kéo theo lượng tiền lớn đổ vào. Nguyên nhân là bởi giãn cách diện rộng khiến việc kiếm tiền trở nên khó khăn hơn, các kênh đầu tư cũng bị thu hẹp lại.

Trong suốt hơn một năm đại dịch hoành hành, nhiều người không đi làm đã chọn thị trường chứng khoán để bù đắp thu nhập. Số tài khoản mới phá kỷ lục khiến hệ thống giao dịch lao đao vì quá tải, thậm chí HoSE đã phải ngừng giao dịch phiên chiều 1/6 vừa qua.

Giá tăng dựng đứng

Nhờ sự tham gia không ngừng nghỉ của dòng tiền, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã không ít lần hoa mắt với việc giá cổ phiếu một số doanh nghiệp có mức tăng dựng đứng chỉ trong một thời gian ngắn.

Trường hợp điển hình về đà tăng “Thánh Gióng” phải kể đến cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings khi chỉ niêm yết trên HNX ngày 19/6/2020 với giá tham chiếu 19.500 đồng/cp nhưng đến nay đã đạt mức 200.000 đồng/cp, tương đương mức tăng... 925,6% chỉ sau chưa đầy một năm.

Hay như trường hợp của cổ phiếu DNS (CTCP Thép Đà Nẵng) đã tăng miệt mài trong khoảng hơn một tháng qua. Tính từ phiên giao dịch ngày 19/4, cổ phiếu này liên tục tăng trần, đưa thị giá tăng vọt từ 9.400 đồng/cp lên gần 29.000 đồng/cp, tương đương mức tăng gần 210%.

Cổ phiếu VIX của Công ty chứng khoán VIX cũng gây xôn xao giới đầu tư chứng khoán khi là một cái tên khá mới trong ngành nhưng lại đang có mức tăng giá đáng nể từ mức 4.300 đồng/cp hồi đầu năm lên 30.700 đồng/cp (phiên 2/6). Như vậy, thị giá cổ phiếu này đã được nhân thêm 6 lần chỉ trong thời gian ngắn.

Trong tháng 5 vừa qua, cổ phiếu SVG của CTCP Kỹ nghệ que hàn đã có chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp (từ 14 - 28/5), đưa thị giá từ 4.900 đồng/cp lên 20.900 đồng/cp, tương ứng tăng hơn 4 lần. Trước đó, cổ phiếu SVG chỉ giao dịch lên xuống biên độ nhỏ quanh mức 5.000 đồng/cp trong một thời gian dài.

Từ đầu tháng 5 đến nay còn có rất nhiều cổ phiếu "tăng bằng lần". Điển hình có thể kể đến như AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) với chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp (từ 5 - 19/5) gây bất ngờ cho nhà đầu tư trong bối cảnh kết quả kinh doanh không có gì nổi bật, thậm chí giảm. Trong một tháng qua, AGM đã tăng từ 15.000 đồng/cp lên 32.700 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ tăng hơn gấp đôi.

Cũng không có kết quả kinh doanh khả quan, nhưng giá cổ phiếu BIO của CTCP Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang đã tăng từ mức 17.400 đồng/cp hồi đầu tháng 5 lên cao nhất 161.000 đồng/cp, tương ứng tăng hơn gấp 9 lần. Hiện, cổ phiếu này đã giảm về mức 130.300 đồng/cp nhưng vẫn cao hơn gấp 7 lần so với đầu tháng 5.

Trước khi tăng đột biến vào giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, BIO duy trì giao dịch dưới mệnh giá một thời gian dài, ở mức 9.500 đồng/cp và đã có thời gian dài hơn 6 tháng không có giao dịch khớp lệnh.

Thận trọng với đà tăng

Với việc nhiều cổ phiếu tăng phi mã trong thời gian qua, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh dòng tiền của các nhà đầu tư mới với kỳ vọng tìm kiếm mức sinh lời tốt, cũng không loại trừ yếu tố có những cổ phiếu đã bị "làm giá", đặc biệt là những mã duy trì thời gian dài đứng im, không có thông tin hỗ trợ và doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia phân tích, ngay cả khi có thông tin hỗ trợ thì dù có tốt đến đâu cũng chỉ có tác động làm tăng giá cổ phiếu trong một biên độ nhất định 10-20%, chứ không thể tăng phi mã.

Lâu nay, trên thị trường chứng khoán vẫn rỉ tai nhau về những đối tượng “đáng gờm” cần phải canh chừng là “cá mập” và “đội lái”. Trong đó, “cá mập” - như thị trường vẫn gọi tên, có thể là những nhà đầu tư gạo cội lâu năm và “tay to”, có tiềm lực tài chính, dày dặn kinh nghiệm.

Còn “đội lái” là những nhà đầu tư kinh nghiệm có nhiều quan hệ trên thị trường, trong tay có nhiều vốn (tiền mặt) hay cổ phiếu liên kết lại với nhau để "làm giá" chứng khoán, thậm chí còn liên kết với các môi giới chứng khoán, công ty niêm yết hoặc có sự tham gia của chính các "ông chủ" mã cổ phiếu đó để thực hiện thao túng giá.

Mục tiêu của cả hai nhân tố này đều là làm thế nào để đẩy giá cổ phiếu lên cao, thu hút được càng nhiều nhà đầu tư mua vào để thu lợi.

Trong mấy năm gần đây, cụm từ “đội lái”, “cá mập” đã ít được nhắc đến, do yếu tố minh bạch trên thị trường chứng khoán ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2021, những thành phần này lại được các chuyên gia, nhà đầu tư quan tâm hơn bởi sự trỗi dậy của các nhà đầu tư F0.

Đây là nhóm các nhà đầu tư với kiến thức về thị trường chứng khoán cũng như sự hiểu biết về doanh nghiệp là “con số 0”, nhưng vẫn rất tự tin rót vốn, nuôi ảo vọng sẽ “kiếm bẫm” trên thị trường chứng khoán.

Điều này không khác gì phó mặc tiền cho may rủi và đã vô tình trở thành “miếng mồi béo bở” của các tay chơi dày dặn kinh nghiệm nói trên. Sau khi đã “lùa gà” đủ, nhóm các nhà chi phối này sẽ tiến hành “xả hàng”, hậu quả là những phiên giảm sàn kéo dài khiến các nhà đầu tư không kịp trở tay.

Do vậy, khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu nào, nhà đầu tư phải có kiến thức về việc các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, đồng thời phải xác định được mức giá, P/E hợp lý của cổ phiếu đó. Quan trọng nhất, phải xác định thị trường chứng khoán là con đường đầy chông gai và cần nhiều bài học xương máu.