“Cắt phao” tín dụng ngoại tệ có đáng lo

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Sau nhiều lần điều chỉnh “nới” thời hạn cho vay bằng ngoại tệ, đầu năm 2018, chính sách này sẽ hết hiệu lực. Nếu các doanh nghiệp không được vay, hoạt động này sẽ chuyển sang quan hệ mua – bán. Vậy điều này sẽ tác động đến đến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu như thế nào?

Trong 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng ngoại tệ ước tăng 12,9%, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của cùng kỳ năm 2016 và chiếm 8,4% tổng tín dụng.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng ngoại tệ ước tăng 12,9%, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của cùng kỳ năm 2016 và chiếm 8,4% tổng tín dụng.

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 31 về quy định cho vay bằng ngoại tệ, mở ra cơ hội được vay vốn với lãi suất rẻ chỉ bằng một nửa lãi suất vay đồng Việt Nam (VND) cho các DN xuất khẩu.

Nhiều DN tỏ ra lo lắng khi chỉ còn hơn tháng nữa, thời hạn của Thông tư sẽ hết hiệu lực. Thay vào đó, các DN có thể phải mua USD, hoặc vay tiền đồng với lãi suất cao hơn so với vay ngoại tệ. Như vậy, sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động.

Thị trường trước lệnh cấm

Theo Tổng Giám đốc của một công ty may xuất khẩu, lâu nay Thông tư 31 nhằm hỗ trợ cho các DN xuất khẩu. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, nếu bắt DN phải vay USD để mua nguyên liệu, sẽ khiến giá đội lên rất lớn do chênh lệch USD/VND. Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, làm giảm tính cạnh tranh.

Chưa kể, nhiều DN có quy mô nhỏ sẽ không còn được vay ngoại tệ rồi bán lấy tiền đồng để mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, nhằm hưởng chênh lệch lãi suất, sau đó xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ trả nợ.

“Do đó, NHNN nên có chính sách phù hợp với từng loại hình DN, vì DN xuất khẩu có chiến lược thị trường khác hoàn toàn với DN sản xuất nội địa”, vị Tổng Giám đốc này nói.

Thời gian qua, NHNN điều hành ổn định và thông báo trước mức tăng tỷ giá tối đa 1 – 2%/năm. Điều này khiến nhiều DN chuyển sang vay vốn bằng ngoại tệ để giảm phí lãi vay.

Theo NHNN, hiện lãi suất cho vay USD tại các ngân hàng phổ biến ở mức 2,8 – 6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 – 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 4,6 – 6%/năm.

Trong khi đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường bằng VND ở mức 6,8 – 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn; 9,3 – 11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 4 – 5%/năm.

Như vậy, các DN xuất khẩu đang được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất cho vay USD/VND khoảng 4 – 5%. Vì vậy, khi DN không được vay ngoại tệ nữa, chắc chắn các DN này sẽ phải vay tiền đồng, đẩy nhu cầu tiền đồng tăng lên, khiến mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, nhất là ở những ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản.

Còn hơn hai tháng nữa các ngân hàng sẽ phải “cắt cầu” tín dụng ngoại tệ. Trong khi đó, thời gian này, tín dụng ngoại tệ vẫn liên tục tăng. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng ngoại tệ ước tăng 12,9%, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của cùng kỳ năm 2016 và chiếm 8,4% tổng tín dụng. 

Điều hành tỷ giá linh hoạt

Đánh giá thị trường ngoại hối thời gian gần đây, nhiều ý kiến lo ngại rủi ro tiềm ẩn của tín dụng ngoại tệ đối với tỷ giá và tình trạng đô-la hóa. Tuy nhiên, trong cuộc họp quý II, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, tái khẳng định chủ trương nhất quán của NHNN là: ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế VND, gắn kết chủ trương chống đô-la hóa, từ quan hệ vay – cho vay sang mua – bán. 

Theo đánh giá của bà Hồng, vị thế của VND đang dần được nâng cao lên trong thời gian qua.

Thực tế, trong lộ trình chống đô-la hóa của NHNN thời gian qua, đối tượng vay ngoại tệ buộc phải siết lại, sau khi hạ lãi suất huy động USD về 0% để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ. 

Nhiều chuyên gia tài chính đã lên tiếng ủng hộ việc hạn chế bơm vốn bằng ngoại tệ để nâng giá trị đồng nội tệ bởi vì hiện nay, nền kinh tế tăng trưởng tốt, cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao.

Do đó, trong lộ trình chống đô-la hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán. Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, nếu muốn chấm dứt hoặc muốn giảm mạnh quan hệ vay mượn bằng USD, cơ chế tỷ giá cần phải tiếp tục điều hành linh hoạt hơn nữa. 

Đồng thời tạo điều kiện để thị trường mua bán ngoại tệ dễ dàng hơn, theo hướng DN không vay ngoại tệ nhưng khi có nhu cầu cần mua sẽ được đáp ứng ngay. Bên cạnh đó, thị trường phái sinh ngoại hối cũng phải được quan tâm để góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá.

NHNN khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo hướng tập trung cho vay DN có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ và DN hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên. 

Cùng với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, định hướng của NHNN là từng bước kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ nhằm tiến tới chấm dứt khi điều kiện cho phép.

Song, NHNN vẫn chưa chính thức khẳng định sẽ dừng thi hành Thông tư 31 hay tiếp tục gia hạn thêm như những lần trước để hỗ trợ các thành viên thị trường.