Chuẩn bị chiến lược cho mùa đại hội cổ đông

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Thời điểm quý I hàng năm thường mang lại hiệu quả đầu tư lớn cho các nhà đầu tư bởi thị trường trong thời gian này có khá nhiều thông tin hỗ trợ, đặc biệt đây là thời điểm các doanh nghiệp sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) với nhiều thông tin quan trọng được công bố có sức ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu.

Quý I hàng năm thường mang lại hiệu quả đầu tư lớn cho các nhà đầu tư. Nguồn: Internet
Quý I hàng năm thường mang lại hiệu quả đầu tư lớn cho các nhà đầu tư. Nguồn: Internet

Theo quy định ĐHĐCĐ của doanh nghiệp (DN) phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của HĐQT, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Thực tế cho thấy, phần lớn DN niêm yết tổ chức họp ĐHĐCĐ trong tháng 3, tháng 4 hàng năm, thường bàn về 3 vấn đề chính: Kết quả kinh doanh của năm cũ và kế hoạch phát triển năm mới; phân chia cổ tức, thưởng cho cổ đông; bầu HĐQT hay ban giám đốc.

Những cuộc họp sớm

Mới chỉ bước vào năm 2019 được ít ngày, nhiều DN đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thông qua việc thay đổi nhân sự cấp cao, phương án kinh doanh cho năm mới, trong khi những vấn đề này thường sẽ được đưa ra tại ĐHĐCĐ chính thức.

Gây ồn ào nhất có lẽ là ĐHĐCĐ bất thường của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã: VCG) được tổ chức ngay sau khi có sự chuyển dịch cơ cấu cổ đông lớn.

Đại hội đã chính thức chấp thuận đơn từ nhiệm của toàn bộ thành viên HĐQT và Ban kiểm soát đương nhiệm và bầu mới 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban kiểm soát.

Trong đó, ông Đào Ngọc Thanh – người đại diện của cổ đông lớn An Quý Hưng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022. Ông Thanh trước đó được biết đến với vai trò là CEO của Ecopark cũng như Chủ tịch Cotana Group, Phó chủ tịch CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (API).

Vị trí Tổng giám đốc đã trao cho ông Nguyễn Xuân Đông cũng đồng thời là Tổng Giám đốc của cổ đông lớn An Quý Hưng.

Tại Đại hội, những gương mặt lãnh đạo mới hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi lớn tại Vinaconex, lĩnh vực xây dựng sẽ được gây dựng để làm trụ đỡ cho công ty phát triển hoạt động đầu tư – lĩnh vực then chốt trong tương lai.

Ngoài Vinaconex, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM) cũng tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong những ngày đầu năm 2019 thông qua vấn đề "nóng" liên quan đến nhân sự cấp cao.

Cụ thể, ông Trần Ngọc Nguyên, nguyên Tổng Giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Đạm Cà Mau thay cho ông Bùi Minh Tiến được điều động về ngồi ghế Tổng Giám đốc BSR.

Hay như tại Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo – Đạm Phú Mỹ, mã: DPM), ông Nguyễn Tiến Vinh – thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được bầu làm Chủ tịch HĐQT; ông Lê Cự Tân – nguyên Chủ tịch HĐQT, giữ chức Tổng Giám đốc.

Trước đó, ông Lê Như Linh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVGas (mã: GAS), được điều động về giữ chức Tổng Giám đốc PV Power (mã: POW).

Tương tự như Vinaconex, các DN này cũng "nhân tiện" thông qua những vấn đề khác liên quan đến kết quả và phương án kinh doanh.

Như vậy, hầu hết những vấn đề quan trọng của DN đã được đưa ra trình ĐHĐCĐ bất thường và được thông qua, từ đây nhiều người đặt câu hỏi có cần thiết phải tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nữa hay không?

Ngay sau khi ĐHĐCĐ bất thường diễn ra với dàn lãnh đạo mới và những tham vọng với của Vinaconex, tưởng chừng đã khiến các cổ đông yên tâm nhưng cổ phiếu VCG lại rơi vào trạng thái điều chỉnh liên tiếp.

Tính từ phiên giao dịch ngày 11/1 tới nay, thị giá cổ phiếu VCG đã giảm 500 đồng từ mức 23.100 đồng về 22.600 đồng/cp (phiên 17/1), tương đương 2,2%.

Tương tự, cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau cũng điều chỉnh nhẹ hơn 1,2% từ mức giá 9.790 đồng xuống còn 9.670 đồng/cp. So với đầu năm 2019, DCM đã giảm 4,3%.

Cũng tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong ngày 10/1, nhưng cổ phiếu DPM lại khởi sắc hơn "em trai" DCM khi tăng 5,6% từ mức giá 21.550 đồng lên 22.750 đồng/cp.

Đầu tư thế nào?

Qua đây có thể thấy, ĐHĐCĐ với những thông tin về kết quả kinh doanh hay dàn lãnh đạo không phải lúc nào cũng khiến cổ phiếu khởi sắc, mà còn phụ thuộc vào những thông tin khác nữa như cổ tức, phát hành tăng vốn…

Thông thường, các nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn các DN có kết quả kinh doanh tốt, có lịch sử trả cổ tức cao, hay những DN bất động sản có quỹ đất sạch lớn…

Thống kê lại nhiều năm vừa qua, các DN thuộc nhóm tài chính, mà đặc biệt là ngân hàng và bất động sản thường có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trung bình 40- 100% /năm.

Nếu xem xét về các yếu tố trên, nhà đầu tư có thể lựa chọn những cổ phiếu ngân hàng như ACB, MBB, VCB…, còn nhóm bất động sản có thể lưu ý đến VIC, DXG, NVL…

Theo một chuyên gia chứng khoán, chiến lược đầu tư hợp lý cho các nhà đầu tư là tích lũy cổ phiếu vốn hóa vừa hay ngành hàng tiêu dùng, bởi mục tiêu mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thị phần nhờ sức mua và tăng trưởng ngành duy trì ở mức cao, đồng thời cũng không bị ảnh hưởng nhiều trước những biến động của thị trường.

Trên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư thường tận dụng thời điểm sôi động này để "lướt sóng". Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư cần có chiến lược riêng cho mình, bởi dù có sôi động đến đâu thì rủi ro vẫn luôn hiện hữu.

Nhiều ĐHĐCĐ vẫn xảy ra tình trạng biên bản, nghị quyết ĐHCĐ không phản ánh đầy đủ diễn biến, kết quả đại hội. Nghị quyết ĐHCĐ không ghi rõ kết quả biểu quyết và quyết nghị đối với từng vấn đề trong chương trình họp gây mất niềm tin của cổ đông.

Hay nhiều DN lựa chọn họp ĐHĐCĐ sớm ngay trong 2 tháng đầu năm cùng với thời điểm công bố báo cáo tài chính của năm cũ nhằm tạo tiền đề để đại hội thành công. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phải luôn tỉnh táo trong quyết định đầu tư, bởi rất đơn giản là báo cáo tài chính đó chưa được kiểm toán.