Có EVFTA, cổ phiếu dệt may-thủy sản còn nóng?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Không thể phủ nhận những cơ hội vàng về xuất khẩu mà EVFTA mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cho ngành dệt may và thủy sản. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những lợi ích của EVFTA mang lại đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu hai nhóm ngành này từ năm 2018 nên khó có thể kỳ vọng một “đỉnh” nữa trong thời gian tới.

 Trong dài hạn, có thể cổ phiếu của hai nhóm ngành dệt may-thủy sản vẫn có thể vẫn duy trì được tăng trưởng. Nguồn: Internet.
Trong dài hạn, có thể cổ phiếu của hai nhóm ngành dệt may-thủy sản vẫn có thể vẫn duy trì được tăng trưởng. Nguồn: Internet.

Ngày 30/6, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – EU (EVFTA và IPA) chính thức được ký kết tại Hà Nội sau hành trình 9 năm đàm phán.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ… là rất đáng kể.

Kỳ vọng lớn

Kết quả kinh doanh tích cực cùng với kỳ vọng hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại đã giúp giá cổ phiếu thủy sản, dệt may tăng mạnh trong năm 2018, bất chấp việc Vn-Index giảm mạnh từ mức đỉnh lịch sử 1.204 điểm, kéo theo giá nhiều cổ phiếu giảm sâu.

Bước sang năm 2019, hai nhóm ngành này tiếp tục được dự báo triển vọng lạc quan do hưởng lợi từ việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được ký kết.

Thực tế, việc này không chỉ có tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhóm ngành này, mà còn tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tuy không còn tăng bằng “lần” như năm 2018, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2019, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản cũng tiếp tục khởi sắc.

Có thể kể đến cổ phiếu SJ1 của CTCP Nông Nghiệp Hùng Hậu, đạt 51% từ mức giá 13.900 đồng/cp lên 21.000 đồng/ cp chỉ trong quý I. Sang quý II/2019, SJ1 đã có sự điều chỉnh nhẹ nhưng vẫn giao dịch quanh vùng giá 20.000 đồng/cp.

Ghi nhận mức tăng 243% trong năm 2018, cổ phiếu CMX của CTCP Camimex Group tiếp tục đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2019 lên 23.200 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 56,8%.

Tương tự, cổ phiếu ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang, VHC của CTCP Vĩnh Hoàn… cũng nối dài đà tăng từ năm 2018 thêm hàng chục phần trăm.

Chỉ có cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt và cổ phiếu HVG của “vua cá tra” Hùng Vương là ghi nhận mức giảm trong nửa năm vừa qua.

Nhóm cổ phiếu dệt may cũng không hề kém cạnh khi cũng phát huy được đà tăng trưởng từ năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Vn-Index vẫn mắc kẹt quanh vùng 900 – 1.000 điểm nhưng bức tranh cổ phiếu ngành dệt may khởi sắc hơn hẳn.

Cổ phiếu STK của CTCP Sợi Thế Kỷ đã đạt mức tăng gần 50% từ mức giá 15.900 đồng/cp hồi đầu năm lên 23.700 đồng/cp (phiên 2/7). Thậm chí, có thời điểm STK vươn lên mức giá 25.600 đồng/cp.

TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG tăng 32,5% từ mức giá 15.900 đồng/cp lên 23.600 đồng/ cp; TCM của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công tăng 37,8%, hiện đang giao dịch tại mức giá 28.300 đồng/cp; FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân tăng 45,5%; hầu hết các cổ phiếu còn lại cũng đều ghi nhận mức tăng khoảng 20%.

Không thể phủ nhận việc có EVFTA, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội trong thị trường EU đối với xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại di động và phụ kiện, điện tử/máy tính, dệt và may mặc, giày dép, thủy sản, trái cây, rau quả và sản phẩm nhựa, khi phần lớn các dòng thuế của các sản phẩm này sẽ được loại bỏ ngay lập tức vào ngày hiệp định có hiệu lực.

Co-EVFTA-co-phieu-det-may-thuy-4998-4501

Cổ phiếu dệt may, thủy sản có thể vẫn tăng trưởng nhưng sẽ không còn “phong độ đỉnh cao”

Sẽ không còn “phong độ đỉnh cao”

Ngay khi sau thông tin Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ được ký kết vào 30/6, nhóm cổ phiếu thủy sản và dệt may đã lập tức nổi sóng “ăn mừng” tại phiên giao dịch ngày 26/6.

Theo đó, VHC tăng 1.500 đồng lên 87.500 đồng/cp; MPC tăng 1.000 đồng lên 33.300 đồng/ cp; ANV, FMC, ACL, CMX cũng tăng giá… Các cổ phiếu ngành dệt may như STK cũng tăng mạnh 2,55% lên 24.100 đồng/ cp; TCM tăng 3,13% lên 28.000 đồng/cp; TNG tăng hơn 5% lên 20.700 đồng/cp…

Tuy nhiên, đây chỉ là phản ứng ngắn hạn bởi những phiên giao dịch ngay sau đó, hầu hết các cổ phiếu này đã quay đầu điều chỉnh. Trong dài hạn, có thể cổ phiếu của hai nhóm ngành này vẫn có thể vẫn duy trì được tăng trưởng nhưng sẽ không còn “phong độ đỉnh cao” như trước đó.

Theo báo cáo của SSI Retail Research được công bố cách đây không lâu, đối với ngành thủy sản, năm 2017 và 2018 được coi là giai đoạn “vàng son” khi đạt mức tăng trưởng cao cả về sản lượng và giá cả, đồng thời đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu. Tuy nhiên, bước sang những tháng đầu năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu đã chuyển sang con số âm.

Hàng loạt thị trường quan trọng giảm nhập khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Hà Lan; trong khi Mỹ tăng trưởng chậm lại.

Với thị trường EU, câu chuyện rõ ràng hơn khi EU cảnh cáo “thẻ vàng” với thủy sản của Việt Nam từ tháng 10/2017 và liên tiếp hai lần gia hạn “thẻ vàng” trong năm 2018. Đây có thể coi là một áp lực tích cực để ngành thủy sản Việt Nam phải thay đổi theo các chuẩn mực khai thác quốc tế.

Về phía ngành dệt may, theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), dù EVFTA có lỏng hơn so với CPTPP nhưng vẫn đặt ra nhiều thách thức. Để có thể được giảm thuế theo quy định tại hiệp định, các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ tại Việt Nam hoặc EU.

Ngoài ra, về xuất khẩu, nhóm sản phẩm dệt may được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam hiện ít gia công (sản phẩm may mặc) hoặc ít xuất khẩu vào EU (nguyên liệu dệt may).