Cổ phiếu ngân hàng giảm về mức hấp dẫn

Theo Kim/thoibaonganhang.vn

So với giá trị cách đây 3 tháng, giá cổ phiếu (CP) ngân hàng đã có điều chỉnh giảm đáng kể.

giá cổ phiếu ngân hàng đã có điều chỉnh giảm đáng kể. Nguồn: Internet
giá cổ phiếu ngân hàng đã có điều chỉnh giảm đáng kể. Nguồn: Internet

Ví dụ như, CP VCB, hiện nay chỉ giao dịch quanh mức 50.000 đồng/CP, thấp hơn nhiều mức giá 75.000 đồng/CP thời điểm cách đây 3 tháng (mức giảm tương đương 33%).

Tương tự, BID hiện chỉ quanh mức 23.000 đồng/CP (trước đó ở vào khoảng 46.000 đồng/CP); CTG giảm từ 38.000 đồng/CP xuống còn 21.800 đồng; VIB từ 41.000 đồng/CP xuống còn 24.000 đồng/CP; VPB giảm từ 70.000 đồng/CP xuống còn hơn 26.000 đồng/CP (tính cả phiên điều chỉnh phát hành CP thưởng).

Các CP ngân hàng khác như HDB từ 50.000 đồng/CP xuống còn 33.000 đồng/CP; MBB từ 31.000 đồng/CP xuống còn 20.000 đồng/CP; ACB giảm từ 44.000 đồng/CP xuống còn 33.000 đồng/CP; STB và LPB hiện nay chỉ giao dịch quanh mức 10.000 đồng/CP…

Nhìn chung, trong 3 tháng vừa qua là nỗi ám ảnh của những nhà đầu tư CP ngân hàng. Nói như anh Vũ T.T. (TP. Hồ Chí Minh) nhìn “tiền rơi” mà chóng cả mặt.

Tuy nhiên, dù ảm đạm về giá, nhưng tỷ lệ bán CP ngân hàng trong 3 tháng vừa qua lại không nhiều. Nhà đầu tư đã không còn bán tháo khi CP rớt giá mà đang có xu hướng đầu tư dài hạn hơn. Thậm chí, một số nhà đầu tư liên tục đặt lệnh mua số lượng lớn khi thấy giá CP xuống thấp. Bởi ai cũng nhìn thấy được tiềm năng của CP ngành này.

Phân tích hành vi mua vào CP khi giá xuống thấp của một số nhà đầu tư, một chuyên gia tài chính đánh giá đây là hành động thông minh. Bởi việc lựa chọn CP đầu tư cần dựa trên những thay đổi nội tại cũng như triển vọng dài hạn của các ngân hàng chứ không phải thấy rớt giá là bán.

Cũng theo vị chuyên gia trên, nhìn một cách tổng quan thì dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành Ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận tốt qua từng quý. Đơn cử, mới đây có 3 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý II gồm VCB và VIB, VPBank. Trong đó VCB cho biết đạt được lợi nhuận trước thuế tăng 53% so với cùng kỳ; VPBank lợi nhuận hợp nhất tăng 34% và VIB có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Các ngân hàng khác dù chưa công bố kết quả chính thức nhưng mọi thông tin đưa ra đều cho thấy ghi nhận kết quả kinh doanh hết sức khả quan. Điều này chứng tỏ các ngân hàng đang hoạt động hiệu quả. Đây chính là nền tảng để nhà đầu tư lựa chọn đầu tư CP.

Cùng quan điểm, các công ty chứng khoán cũng khẳng định, ngành Ngân hàng đang có những thuận lợi trong kinh doanh năm 2018. Theo dự báo của công ty chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), phần lớn các ngân hàng đều tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 50% so với cùng kỳ; ngoại trừ CTG chỉ tăng 8% và BID tăng 32%, do hệ số an toàn vốn (CAR) thấp làm cản trở tăng trưởng cho vay.

Theo dõi chỉ số khác, tỷ lệ vốn hóa so với thu nhập hoạt động trước dự phòng, giới phân tích nhận thấy các ngân hàng như ACB, CTG, MBB và VCB đã giảm đáng kể so với tỷ lệ bình quân 3 năm. Đáng chú ý, đối với trường hợp VCB, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn ngưỡng thấp nhất. Điều này cho thấy, CP VCB đang được giao dịch ở mức định giá hấp dẫn, nếu nhà đầu tư xem xét đến khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng này trong năm 2018. Tuy vậy, lợi nhuận năm 2018 của VCB có một phần lớn được đóng góp từ hoạt động thoái vốn và không nằm ngoài kỳ vọng của thị trường. Ngược lại, nếu xem xét ở chỉ tiêu này thì BID và CTG đang được giao dịch ở vùng giá tương đối hợp lý.

Còn đối với một số CP khác như HDB hay TCB. Dù đang trong vòng xoáy giảm giá nhưng nếu xem xét về khả năng kinh doanh, nhà đầu tư có thể cân nhắc được tương lai của CP.

Trường hợp của TCB, hiện đã giảm đến 70-80% giá trị so với ngày lên sàn. Nhưng, TCB tính đến nay vẫn là ngân hàng có chiến lược tốt trong kinh doanh. Trong đó, TCB xây dựng chiến lược khách hàng là trung tâm; Xây dựng hệ sinh thái khách hàng; Có các bộ phận kinh doanh chuyên biệt để phục vụ khách hàng…

Đến cuối năm 2017, TCB chiếm hơn 82% thị phần môi giới trái phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX). Sản phẩm trái phiếu đáng chú ý là ibond, được phân phối cho khách hàng cá nhân. TCB có thị phần lớn nhất về thị trường bancassurance, khoảng 26%. Ngân hàng đã ký kết hợp tác bancassurance dài hạn độc quyền với Manulife và ghi nhận khoản phí trả trước gần 1.500 tỷ đồng vào năm 2017.

Nhờ sự đóng góp của hai sản phẩm này, cơ cấu tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TCB khá bền vững với thu nhập lãi ròng chiếm khoảng 55-60%, và còn lại là thu nhập ngoài lãi. Năm 2017, thu nhập ngoài lãi của TCB chiếm gần 45% TOI, trong đó thu nhập dịch vụ chiếm 23,3% và tăng gần 95% so với cùng kỳ năm 2017. Không bao gồm thu nhập bất thường cho phí trả trước (trở thành bancassurance độc quyền hợp tác với Manulife), thu nhập dịch vụ tăng 21,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 16%.

Hay với CP ACB, chu kỳ tăng trưởng trở lại nhờ giới hạn sử dụng vốn còn khá rộng rãi, tăng trưởng cho vay khách hàng của ACB đã bắt đầu nhanh hơn so với tăng trưởng huy động. Điều này giúp hoạt động ngân hàng lõi của ACB tăng trưởng tích cực với thu nhập lãi thuần tăng trưởng.

Ngoài ra, với việc lựa chọn chỉ tập trung nhóm khách hàng truyền thống mà ACB đã có nhiều kinh nghiệm phục vụ (SMEs và cá nhân), đồng thời lấn sân sang phân khúc khách hàng giàu có (Ngân hàng ưu tiên). Theo đó, nhà đầu tư có quyền kỳ vọng lợi nhuận của ACB sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2018 – 2019, song hành với sự phục hồi hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong nền kinh tế. Do vậy, giới phân tích luôn đưa ra khuyến nghị trung lập cho mục tiêu nắm giữ dài hạn đối với CP ACB…

Tóm lại, định giá tương đối CP ngân hàng đã giảm về mức hấp dẫn. Điều này giúp cho nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn để có thể tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình trong thời gian tới…