Dòng tiền "hụt hơi", có đáng lo ngại?

Theo Khánh An/nhadautu.vn

Diễn biến VN-Index tăng điểm nhưng không đi kèm khối lượng giao dịch cho thấy dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài trong bối cảnh thị trường đang thiếu một ngành đủ mạnh để dẫn dắt, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực đến nhà đầu tư.

Ảnh: Trọng Hiếu
Ảnh: Trọng Hiếu

Lực cung chốt lời ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng khi chỉ số tiến vào vùng kháng cự 1.370 – 1.380 điểm khiến cho đà tăng của chỉ số giảm tốc và biên độ dao động cũng có phần thu hẹp trong những phiên cuối tuần qua.

Chốt phiên cuối tuần (8/10), VN-Index tăng 6,74 điểm lên 1.372,73 điểm. Thanh khoản đạt 632,8 triệu đơn vị, tương đương tổng GTGD 17.958 tỷ đồng. HNX-Index tăng 1,52 điểm lên 371,92 điểm còn UPCOM tăng 0,34 điểm lên 98,3 điểm.

Như vậy, chỉ số đã có 5/5 phiên tăng điểm liên tiếp từ đầu tuần, và vượt qua nhiều ngưỡng kháng cự quan trọng. Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index tăng 37,84 điểm (+2,83%) đạt mức 1,372.73, còn HNX Index tăng 4,33% lên 371,92 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE tiếp tục duy trì ở mức thấp khi trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 19.630 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,5% so với tuần trước đó.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS) nhận định, trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của dịch bệnh khoảng 2 tháng nay, nhìn về mặt chỉ số, tính từ đầu tháng 7 đến nay vẫn trong xu hướng giảm.

Ông Ngọc cho rằng, diễn biến thị trường duy trì trạng thái đi ngang, biên độ dao động hẹp cùng thanh khoản thấp trong vài tuần trở lại có thể khiến mọi người nhìn thấy rằng dòng tiền hụt hơi, nhưng bản chất là thị trường đang ở giai đoạn tăng trong nghi ngờ, bởi tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn còn thận trọng dẫn đến thanh khoản duy trì mức thấp.

Tuy nhiên một điểm tích cực là các nhóm cổ phiếu từ nhỏ đến lớn thay phiên tăng giá, qua đó tạo nên nhiều cơ hội đầu tư tốt khi nền giá đang ở mức hấp dẫn cùng kỳ vọng về quá trình hồi phục nền kinh tế cũng như các gói kích cầu.

“Trong tuần sau, khi đà hồi phục của thị trường rõ ràng, chắc chắn dòng tiền sẽ nhập cuộc mạnh mẽ hơn”, ông Ngọc dự báo.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng Phòng Phân tích & Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá thị trường đang trong giai đoạn chờ đợi thông tin và tâm lý thận trọng vẫn là chủ đạo.

Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế ảm đạm của quý III với GDP tăng trưởng thấp kỷ lục do ảnh hưởng của dịch bệnh, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái thua lỗ hoặc giảm mạnh lợi nhuận trong quý này. Việc giải ngân ngắn hạn trong khi thông tin bất định phía trước sẽ tiềm ẩn rủi ro, vì vậy dòng tiền sẽ có xu hướng tìm kiếm những mã cổ phiếu thực sự có triển vọng hoặc đứng ngoài chờ đợi thông tin xấu ra hết.

Một yếu tố nữa theo ông Khoa là thị trường đang thiếu một ngành đủ mạnh để dẫn dắt, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực tới toàn thị trường khi nhóm ngân hàng sau giai đoạn bị chốt lời vẫn chưa thể bứt lên, điều tương tự với nhóm chứng khoán, bất động sản trong khi những ngành khác hiệu ứng tới thị trường không lớn bằng.

“Mặc dù vậy, tôi dự báo dòng tiền có thể sớm trở lại mạnh mẽ vào 2 tháng cuối năm, đón sóng kết quả kinh doanh quý IV sau khi chúng ta đã và đang khống chế tốt dịch bệnh, cũng như kỳ vọng vào những chính sách kích thích tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Nguyễn Anh Khoa dự báo.

Ngoài ra, trước diễn biến tích luỹ đi lên với thanh khoản thấp trong tuần qua, ông Nguyễn Anh Khoa cho rằng trạng thái này vẫn được duy trì trong tuần tới. Về mặt điểm số có thể sẽ không tăng trưởng do VN-Index đã lên vùng có thể gặp lượng cung tiềm năng từ những nhà đầu tư mua vùng giá cao giai đoạn trước. Bên cạnh đó, thị trường khả năng tiếp tục phân hoá và luân phiên vào từng nhóm cổ phiếu. Một số ngành, nhóm cổ phiếu có thể tích cực trong tuần tới như nhóm thép, cảng biển, phân bón, các nhóm ngành xuất khẩu hoặc những cổ phiếu có thông tin đồn đoán KQKD quý III tốt.

Phân tích thêm về diễn biến của dòng tiền những phiên gần đây, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset lưu ý cần bóc tách vấn đề tổng thanh khoản thị trường suy giảm.

Một là thanh khoản thị trường trong nửa đầu tháng 9 rất lớn bởi các cổ phiếu nhỏ giao dịch sôi động như "họ" Louis hay nhóm FLC, việc giao dịch nhiều này làm tổng khối lượng giao dịch thị trường tăng, tuy nhiên giá trị giao dịch nhỏ bởi đây là những cổ phiếu thị giá thấp. Ngoài ra, tỷ trọng giao dịch của nhóm VN30 giảm xuống thấp khi chỉ chiếm 30-40% thị trường, điều này cho thấy dòng tiền đầu cơ vào nhóm cổ phiếu nhỏ nên thanh thanh khoản suy giảm là điều bình thường.

Tình trạng thị trường tăng điểm nhưng không đi kèm khối lượng giao dịch mặt khác còn cho thấy dòng tiền lớn thực sự vẫn đang đứng ngoài, phần lớn nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi BCTC quý III sẽ thể hiện những vấn đề trọng yếu gì, trong đó có vấn đề nợ xấu và hiệu suất hoạt động của ngân hàng thông qua các chỉ số như NIM, CASA. Cùng với đó là kỳ vọng ở gói kích thích kinh tế lớn mà Chính phủ đang soạn thảo.

Ở góc nhìn dài hạn, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng trong quý IV, VN-Index có thể lặp lại đỉnh quanh 1.400 điểm khi thị trường có nhiều yếu tố hỗ trợ như thông tin về các gói hỗ trợ nền kinh tế, cùng kỳ vọng các ngành sẽ tái khởi động sau đại dịch.