Hấp dẫn cổ phiếu cảng biển

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Hơn 37,6 triệu cổ phần của Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng sẽ được bán đấu giá trên sàn Hà Nội ngày 14/5/2014 với giá khởi điểm 13.500 đồng/cổ phiếu.

Bức tranh lợi nhuận của các cảng biển vẫn đầy gam màu sáng. Nguồn: internet
Bức tranh lợi nhuận của các cảng biển vẫn đầy gam màu sáng. Nguồn: internet
Đây là doanh nghiệp nhà nước tầm cỡ nhất với vốn điều lệ 3.269,6 tỉ đồng được IPO kể từ đầu năm đến nay. Giới đầu tư, nhất là các tổ chức dành sự chú ý không nhỏ cho cảng Hải Phòng với hy vọng sau cổ phần hóa cảng sẽ ăn nên làm ra giống như các cảng biển đã chuyển đổi hình thức sở hữu và đang niêm yết.
 
Cảng Hải Phòng là cửa ngõ quốc tế đường biển lớn nhất khu vực phía Bắc, nơi có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 40.000 DWT và là cảng duy nhất của Việt Nam có hệ thống đường sắt kết nối trực tiếp đến cảng. Hình thành từ năm 1876, thiết kế của người Pháp đã giúp cảng Hải Phòng trở thành tâm điểm giao thương từ hơn 140 năm nay.
 
Những dấu ấn lịch sử ấy liệu có mang lại điểm cộng nào cho cảng Hải Phòng trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp vừa qua? Không dễ trả lời, nhưng dường như hiệu quả kinh doanh của cảng hơi thấp so với vốn điều lệ. Năm ngoái lợi nhuận trước thuế của cảng đạt 191 tỉ đồng, kém xa các cảng khác có vốn thấp hơn đang niêm yết. Thí dụ lợi nhuận sau thuế của Cảng Đoạn Xá (DXP-Hnx) năm 2013 là 54 tỉ đồng trên vốn điều lệ 79 tỉ đồng; của Cảng Đình Vũ (DVP-Hose) 197/400 tỉ đồng. Trong khi xét về quy mô cảng Hải Phòng vượt trội cả về diện tích kho bãi container, kho hàng hóa, cầu cảng, chưa tính khả năng là cảng duy nhất còn lại có đủ điều kiện nâng công suất, mở rộng kinh doanh. Các cảng khác đã hoạt động ở mức công suất tối đa.
 
Sức hút của cổ phiếu cảng Hải Phòng, như vậy, nằm ở đâu? Thứ nhất có thể ở giá khởi điểm thấp hơn mặt bằng chung của ngành. Tại ngày 29/4/2014, cổ phiếu DVP có thị giá 41.000 đồng; Cảng Đồng Nai (PDN-Hose) 40.900 đồng; DXP 46.900 đồng; Công ty cổ phần Container Viconship (VSC-Hose) 64.000 đồng; Gemadept (GMD-Hose) 30.600 đồng. Ngay các cảng có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn tầm trung bình như cảng Rau quả (VGP-Hnx), Tân Cảng (TCL-Hose) thị giá cổ phiếu cũng không thấp hơn 23.000-24.000 đồng. Giá khởi điểm của cảng Hải Phòng chỉ bằng 25-50% giá các cổ phiếu cùng ngành nghề.
 
Sự thay đổi ấn tượng về hiệu quả kinh doanh của các cảng biển sau cổ phần hóa đến từ thay đổi quản trị, điều hành doanh nghiệp. Nhiều cổ phiếu cảng biển luôn đầy room dành cho nước ngoài. Nếu tới đây room được nới, cổ phiếu cảng biển sẽ là một trong những địa chỉ tìm đến của dòng vốn ngoại.
 
Cũng cần lưu ý sự cao thấp của giá cổ phiếu có lý do của nó. Ở thời điểm Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) phê duyệt giá trị doanh nghiệp của cảng Hải Phòng, tổng giá trị tài sản của cảng, theo báo Giao thông vận tải, được xác định hơn 4.320 tỉ đồng, bằng 201% so với giá trị sổ sách. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 3.269 tỉ đồng, bằng 261% giá trị sổ sách.
 
Rất có thể cách thức xác định giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Cảng Hải Phòng cũng tương tự như phương pháp xác định vốn nhà nước ở các doanh nghiệp lớn đã IPO trước đây như Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt Holding, Vietcombank...
 
Thứ hai là kỳ vọng kinh doanh hiệu quả của cảng Hải Phòng sau cổ phần hóa từ phía nhà đầu tư. Khi chưa cổ phần hóa, lợi nhuận của các cảng biển khác đều thấp một cách đáng lo ngại. Năm 2006 lợi nhuận sau thuế của DVP chỉ hơn 5 tỉ đồng, năm 2007 chưa đầy 15 tỉ đồng nhưng nó đã gia tăng theo cấp số nhân trong thời gian 2008-2012. VSC, DXP và những cảng khác cũng không chịu thua kém DVP. VSC năm 2004 lợi nhuận sau thuế có 19 tỉ đồng so với năm ngoái là 240 tỉ đồng. Bất chấp sự suy thoái của chứng khoán nói chung, thị giá cổ phiếu VSC đang ở mức cao nhất kể từ khi niêm yết.
 
Sự thay đổi ấn tượng về hiệu quả kinh doanh của các cảng biển sau cổ phần hóa đến từ thay đổi quản trị, điều hành doanh nghiệp. Nhiều cổ phiếu cảng biển luôn đầy room dành cho nước ngoài. Nếu tới đây room được nới, cổ phiếu cảng biển sẽ là một trong những địa chỉ tìm đến của dòng vốn ngoại.
 
Quí I năm nay, bức tranh lợi nhuận của các cảng biển vẫn đầy gam màu sáng, đối ngược với bức tranh doanh thu, lợi nhuận u ám của các công ty vận tải biển. Lợi nhuận sau thuế trong quí của cảng Đồng Nai tăng 75% so với cùng kỳ; của Viconship tăng 5,4%. Các cảng khác có giảm chút ít nhưng không đáng kể.
 
Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn của cảng Hải Phòng sau khi chuyển đổi sở hữu. Ngoài tỷ lệ bán ra công chúng và phát hành ưu đãi cho người lao động, cảng sẽ dành 10,26% cổ phần bán cho đối tác chiến lược là  Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank). Hiện nay, Vinalines mẹ còn nợ VietinBank cả ngàn tỉ đồng gốc và lãi, chưa tính nợ của các công ty con. Trong cơ cấu doanh thu của Vinalines, các cảng biển là mảng đóng góp tích cực nhất (nhưng vẫn không bù đắp nổi sự lỗ lã của các mảng khác, đặc biệt là vận tải, kinh doanh tàu).
 
Chuyển nợ thành vốn góp không phải là cách thức mới để giúp doanh nghiệp phát triển, thu hồi nợ. Vấn đề là ở chỗ các doanh nghiệp cảng biển hầu như không vay nợ. Theo báo cáo tài chính quí và năm, các cảng biển nói trên đều có số dư tiền và các khoản tương đương tiền khá lớn. Trong khi đó, họ cần cổ đông chiến lược là các tổ chức quốc tế, nội địa ở lĩnh vực kinh doanh đường biển, logistics, khai thác - quản lý cảng...

 Các doanh nghiệp kinh doanh cảng đang niêm yết đều được vốn ngoại ưu ái, cảng Hải Phòng có lẽ không là ngoại lệ? Việc tìm kiếm đối tác chiến lược của cảng Hải Phòng nên chăng mở rộng phạm vi ra ngoài hơn nữa bằng các đợt tiếp thị bài bản, chuyên nghiệp với tầm nhìn xa về tương lai?