Hồng Kông phát hành trái phiếu xanh và câu chuyện ở Việt Nam

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Trong bối cảnh các dự án xanh, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo đang bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam, thì việc sử dụng các công cụ tài chính xanh, như trái phiếu xanh được xem là tất yếu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cam kết 175,5 tỷ đô la Hồng Kông trái phiếu xanh

Mới đây, Hồng Kông đã định giá trái phiếu xanh bằng đồng NDT và huy động được 5 tỷ NDT (783 triệu USD), chỉ vài ngày sau khi mở đợt chào bán trái phiếu xanh bằng đồng Euro đầu tiên, khi thành phố này đang tìm cách củng cố vị trí là trung tâm tài chính bền vững của châu Á.

Theo đó, chính quyền thành phố đã bán 2,5 tỷ NDT trái phiếu xanh kỳ hạn 3 năm và 2,5 tỷ trái phiếu xanh kỳ hạn 5 năm trong đợt chào bán thứ tư, kể từ khi công bố chương trình trái phiếu bền vững vào năm 2018. Trưởng phụ trách Tài chính Paul Chan Mo-po đã công bố vòng trái phiếu xanh mới nhất trên blog của mình rằng: “Biến đổi khí hậu là một vấn đề sắp xảy ra đối với tất cả chúng ta. Chính phủ và các cơ quan quản lý tài chính đang làm việc với ngành, để tăng cường khả năng chống chịu của khu vực tài chính đối với các rủi ro khí hậu và nắm bắt các cơ hội liên quan, để hỗ trợ Hồng Kông đạt được cam kết đạt được mức độ trung tính carbon trước năm 2050. Đồng thời, chúng tôi cũng tận dụng vai trò của mình với tư cách là trung tâm tài chính cho đất nước và châu Á để hướng tới phát triển xanh và bền vững. ”

Thỏa thuận về khí hậu nhằm giảm sử dụng than đá đạt được tại Hội nghị COP26 khi các quốc gia cùng nhau tìm cách ngăn chặn thảm họa khí hậu. Việc chào bán trái phiếu đã nhấn mạnh cam kết trị giá 175,5 tỷ đô la Hồng Kông (22,5 tỷ đô la Mỹ) của thành phố đối với trái phiếu xanh trong 5 năm tới, khi thành phố này phấn đấu trở thành một trung tâm tài chính xanh quốc tế.

Trong đó, trái phiếu xanh là sản phẩm tài chính có thu nhập cố định, được thiết kế để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường.

Trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ dự kiến sẽ được thanh toán vào ngày 30/11 và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông và London.

Trước đó, thành phố đã huy động được 3 tỷ USD thông qua đợt bán trái phiếu xanh thứ ba, lần đầu tiên định giá một số trái phiếu bằng đồng Euro và cung cấp trái phiếu xanh mệnh giá bằng đồng euro dài nhất từng được một chính phủ châu Á phát hành.

Hồng Kông có kế hoạch tăng cường sử dụng năng lượng gió, chất thải thành năng lượng và năng lượng mặt trời để tạo ra điện trong những năm tới, một phần của nỗ lực đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050, theo kế hoạch hành động khí hậu mới nhất của khu vực hành chính đặc biệt (SAR) ra mắt vào tháng 10. Tiền thu được từ việc bán trái phiếu xanh sẽ được chuyển đến Quỹ Dự trữ Công trình Vốn của thành phố để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án công trình công cộng mang lại lợi ích môi trường và hỗ trợ sự phát triển bền vững của Hồng Kông. Đại diện ngân hàng HSBC và ngân hàng Công thương Trung Quốc đang đóng vai trò là đồng điều phối viên toàn cầu chung về đợt chào bán.

>> Hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh cần 5 năm miễn giá dịch vụ đăng ký niêm yết

Trái phiếu xanh tại Việt Nam

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tham dự Hội nghị COP26 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Trong bối cảnh đó, các dự án xanh, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo, hiện đang bùng nổ mạnh mẽ. Do đó, việc sử dụng các công cụ tài chính xanh, như trái phiếu xanh được xem là tất yếu.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, các ngân hàng chỉ giải ngân cho vay đối với các dự án đã hình thành, rất hiếm ngân hàng nào cấp tín dụng cho dự án tiền khả thi để phòng ngừa rủi ro nợ xấu.

“Chính vì vậy, doanh nghiệp nên ưu tiên phát hành trái phiếu xanh cho dự án tiền khả thi hơn, bởi triển khai một dự án năng lượng cần nguồn vốn lớn, chi phí đầu tư ban đầu cao. Nếu đợi hoàn tất các hạng mục xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị, vật liệu xong mới huy động thì doanh nghiệp đã đuối sức. Để tạo uy tín cho việc phát hành trái phiếu xanh, doanh nghiệp cần có sự ràng buộc nhất định về pháp lý, triển khai được những bước nhất định, chứ không chỉ dừng ở mức độ được cấp phép trên giấy tờ”, ông Minh phân tích.

Tuy nhiên, để gọi vốn cho các dự án xanh là không hề đơn giản. Theo ông Minh, về phía nhà phát hành, cần chú ý những điểm sau:

Thứ nhất, trái phiếu xanh có rơi vào trường hợp trái phiếu chuyển đổi hay không. Trong trường hợp là trái phiếu chuyển đổi, thì cần phải xem nhà đầu tư là ai, khi vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo chấm dứt rất nhiều dự án có liên quan đến các tổ chức nước ngoài tham gia, đặc biệt là đối tác Trung Quốc.

Thứ hai, khi phát hành trái phiếu xanh, doanh nghiệp không thể phát hành nhỏ lẻ vì hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang ra soát và thắt chặt vấn đề này. Thay vào đó, doanh nghiệp phải tập trung phát hành cho các đối tác chiến lược, các nhà đầu tư lớn.

Thứ ba, đặc thù của trái phiếu xanh là lãi suất phát hành phải ưu đãi, nếu doanh nghiệp huy động được lãi suất thấp thì sẽ đỡ áp lực. Thông thường, tỷ suất sinh lời của các dự án năng lượng chỉ khoảng 5- 6%/năm. Ngược lại, nếu doanh nghiệp huy động với lãi suất cao từ 8-10%/năm thì sẽ gặp rủi ro cao, thậm chí là vỡ nợ.