Khối ngoại đồng loạt mua ròng cổ phiếu thép, VN-Index áp sát mức 860 điểm

Theo Hoài Nam/vietnamfinace.vn

Trong khi các cổ phiếu ngành thép được mua khá mạnh thì cặp đôi CII và MSN lại bị khối ngoại bán ròng trên 100 tỷ đồng.

 Khối ngoại mua mạnh cổ phiếu thép, VN-Index áp sát mức 860 điểm. Nguồn: internet
Khối ngoại mua mạnh cổ phiếu thép, VN-Index áp sát mức 860 điểm. Nguồn: internet
Diễn biến khối ngoại hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/11/2017, VN-Index tăng 9,37 điểm, lên mức 859,7 điểm tương ứng mức tăng 1,1%, HNX-Index tăng 0,91 điểm lên mức 105,74 điểm, tương ứng mức tăng 0,87%. UPCOM-Index giảm 0,22 điểm xuống mức 52,94 điểm tương ứng mức giảm 0,42%.

Thanh khoản thị trường hôm nay vẫn duy trì tích cực, đạt 215,74 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng giá trị đạt 5.614 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.085 tỷ đồng.

Khối ngoại trên thị trường mặc dù không còn đột biến như phiên hôm qua nhưng vẫn duy trì được sự tích cực. Nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 17 triệu cổ phiếu, trị giá 650 tỷ đồng, trong khi bán ra 16,4 triệu cổ phiếu, trị giá 603,7 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 703.970 cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt gần 46,2 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã có phiên mua ròng thứ 10 liên tiếp, với giá trị đạt hơn 16 tỷ đồng, tuy vậy, nếu tính về khối lượng thì họ đã bán ròng trở lại hơn 1 triệu cổ phiếu.

Dẫn đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại trông phiên hôm nay là VNM(+1,5%) với hơn 102 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TRA(-3,2%) cũng được mua ròng hơn 46,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, các cổ phiếu ngành thép đã thu hút được sự chú ý đáng kể của khối ngoại. HPG(+0,4%) được mua ròng 28,4 tỷ đồng. NKG(+2,2%) và HSG(+0,9%) được mua ròng lần lượt 18 tỷ đồng và 10,4 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, CII(-1,6%) bị bán ròng mạnh nhất với hơn 143,8 tỷ đồng. MSN(+0%) cũng bị bán ròng hơn 121 tỷ đồng. Đáng chú ý, hầu hết giao dịch của khối ngoại đối với CII và MSN được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận.

Trên sàn HNX, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng hơn 30 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 1,7 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu PVS(+0,6%) dẫn đầu danh sách mua ròng trên HNX với hơn 22,5 tỷ đồng. VCG(+1,4%) và VGC(+0%) được mua ròng lần lượt 4,5 tỷ đồng và 2,6 tỷ đồng.

Không có mã nào bị khối ngoại bán ròng trên 1 tỷ đồng trên HNX.

Thông tin đáng chú ý

SAB, VNM - Hãng tin Bloomberg dẫn lời một nhà đầu tư tiềm năng vào Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) rằng, nhà sản xuất bia lớn nhất của Việt Nam đang được định giá quá đắt nếu lấy Vinamilk - công ty tiêu dùng lớn nhất Việt Nam - làm chuẩn.

“Vinamilk là thước đo tốt để có thể so sánh với Sabeco , bởi cả 2 công ty đều dẫn đầu tại lĩnh vực kinh doanh của mình tại Việt Nam”, theo Hui Choon Kit, Giám đốc Tài chính của Fraser & Neave Ltd – tổ chức hiện là cổ đông lớn của Vinamilk.

Cổ phiếu của Sabeco đang được giao dịch ở mức P/E 38 lần, so với 21 lần của nhà sản xuất sữa Vinamilk, theo dữ liệu của Bloomberg hôm 6/11.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Singapore, ông Hui cho biết: "Thị giá của Sabeco dường như đang vượt xa giá trị hợp lý. Nếu chỉ dựa trên những dữ liệu công bố công khai, có vẻ như thị giá đang vượt trên mức chuẩn toàn cầu".

VRE - Credit Suisse AG báo cáo đã bán đi 65.111.948 cổ phiếu trong tổng số 96.110.746 cổ phiếu (tỷ lệ 5,05%) đang sở hữu của Vincom Retail, còn WP Investments III .V thuộc Warburg Pincus cũng bán 195.335.842 cổ phiếu trong tổng số 288.332.239 cổ phiếu (tỷ lệ 15,71%) đang sở hữu.

Tổng cộng 2 cổ đông ngoại này đã bán gần 260,45 triệu cổ phiếu VRE, tương ứng giá trị hơn 10.574 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2013, Công ty quản lý quỹ Warburg Pincus bắt đầu rót vốn vào Vincom Retail với số tiền 200 triệu USD. Năm 2015, quỹ rót tiếp 100 triệu USD. Các khoản đầu tư này được giải ngân thông qua WP Investments III B.V và Credit Suisse AG dưới dạng cổ phần ưu đãi cổ tức có quyền hoán đổi sang cổ phần phổ thông và vay chuyển đổi, có thể chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ sang cổ phần ưu đãi.