Nghị định 65 tạo bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo Huy Thắng/baochinhphu.vn

Khi Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65), thị trường trái phiếu của Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển thực chất hơn, để những doanh nghiệp (DN) công bố công khai, minh bạch thông tin vẫn tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả trên thị trường.

Đối thoại Chuyên đề: "Bước ngoặt thị trường trái phiếu DN sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP".
Đối thoại Chuyên đề: "Bước ngoặt thị trường trái phiếu DN sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP".

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) trao đổi tại Đối thoại chuyên đề: "Bước ngoặt thị trường trái phiếu DN sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 30/9 tại Hà Nội.

Khung pháp lý mới ngăn ngừa rủi ro

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng: Từ năm 2019, thị trường có sự phát triển rất nhanh. Trong quá trình phát triển đó, Bộ Tài chính đã nhận thấy những rủi ro mới phát sinh. Trong đó, có nhiều DN có tình hình tài chính yếu kém, quy mô vẫn phát hành trái phiếu, thông qua việc đẩy lãi suất phát hành tăng lên để thu hút nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, mặc dù hạn chế các nhà đầu tư chứng khoán cá nhân tiếp cận trái phiếu DN nhưng vẫn có một bộ phận rất lớn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu DN riêng lẻ và hậu quả là phát sinh những rủi ro cho chính những nhà đầu tư đó. Một số công ty, tổ chức trung gian làm tư vấn phát hành, trung gian tài chính không thực sự trung thực khi cung cấp dịch vụ, để thông tin đến với nhà đầu tư không đầy đủ.

Do đó, đại diện Bộ Tài chính cho hay, cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường việc thanh kiểm tra, giám sát để xử lý các vi phạm trên thị trường. Từ những bất cập của thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính triển khai xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi một số điểm của nghị định hiện hành về phát hành trái phiếu DN. Ngày 16/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65).

Nghị định 65 có nhiều điểm mới liên quan đến các đối tượng tham gia vào thị trường.

Thứ nhất, về điều kiện và hồ sơ phát hành, các điều kiện về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ được quy định ở Luật DN và Luật Chứng khoán, Nghị định 65 chỉ điều chỉnh một số quy định về hồ sơ, để đảm bảo tăng tính minh bạch của việc phát hành trái phiếu DN, tăng tính tiếp cận thông tin của chủ thể phát hành và của nhà đầu tư.

Cụ thể, Nghị định bổ sung quy định DN phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của Luật Chứng khoán và việc này sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2023. Khi DN phát hành cho nhà đầu tư cá nhân phải có hợp đồng kí kết với đại diện người chủ sở hữu trái phiếu; phải có xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản từ việc phát hành trái phiếu.

Thứ hai, liên quan đến trách nhiệm của DN phát hành, nghị định bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm về nghĩa vụ công bố thông tin của nhà phát hành cho nhà đầu tư và trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và các quy định khác.

Thứ ba, chính sách liên quan đến nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải đảm bảo phải có 2 tỷ đồng danh mục đầu tư với giá trị trung bình trong vòng 6 tháng và việc xác nhận đó sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng: Đây là một điểm rất mới, tăng trách nhiệm của nhà đầu tư hơn khi đưa ra quyết định đầu tư của mình, đó là khi mua trái phiếu DN, nhà đầu tư phải đọc một bản công bố thông tin và phải tự kí vào bản đó, xác nhận tiếp nhận đầy đủ những thông tin DN công bố; đồng thời, hiểu pháp luật và chịu trách nhiệm về việc đầu tư trái phiếu DN….

Bên cạnh đó, Nghị định 65 cũng làm chặt chẽ hơn với các quy định như: nhà đầu tư sẽ không được tham gia vào các hợp đồng cùng đầu tư trái phiếu do các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác rao bán. Nghị định mới cũng quy định rõ về việc thiết lập một trường thứ cấp để giao dịch các trái phiếu DN phát hành riêng lẻ. Theo đó, đặt ra lộ trình để đưa các trái phiếu DN phát hành riêng lẻ vào giao dịch trên thị trường này…

"Với việc Chính phủ ban hành Nghị định 65, thị trường trái phiếu của Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn phát triển thực chất hơn, để những DN công bố công khai, minh bạch thông tin vẫn tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn rất hiệu quả trên thị trường", ông Nguyễn Hoàng Dương bày tỏ tin tưởng.

Có thể sụt giảm số lượng trước mắt nhưng tăng chất lượng lâu dài

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam nhận định: Nghị định 65 sẽ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp, tính minh bạch và tính tự chịu trách nhiệm trong việc tham gia thị trường của nhà đầu tư. 

"Nghị định 65 đã khắc phục được rất nhiều điểm mà trước đây chúng ta còn chưa rõ. Điểm mà tôi nghĩ rất quan trọng là quy định trách nhiệm đối với chính bản thân nhà đầu tư, tức là khi tham gia thị trường phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin (không phải chỉ gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư mà còn gắn với trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu cũng như đại lý phát hành, xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp).

Tất cả phải cùng hợp sức để cung cấp, minh bạch hóa thông tin. Nghị định 65 ra đời lần này, tôi nghĩ đưa phát hành riêng lẻ về đúng bản chất, đặc biệt tăng tính chuyên nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm của các thành phần tham gia thị trường", ông Đặng Ngọc Quỳnh nói.

Trước băn khoăn về sự sụt giảm của doanh số phát hành trên thị trường trái phiếu DN, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá: Nghị định 65 có các quy định khá tương đồng với thông lệ quốc tế, trong đó có cả việc nhà đầu tư cá nhân bị thu hẹp.

Với sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu chỉ khoảng 30%/năm thì chỉ khoảng 6 năm sau dư nợ của thị trường sẽ khoảng 11,6 triệu tỷ đồng. Tức là rất lớn và gần như thay thế được vốn trung dài hạn của hệ thống ngân hàng. Do đó, cần tập trung hoàn thiện nền tảng pháp lý, phát triển các định chế trung gian là rất cần thiết để phát triển vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.

"Khu vực phát hành trái phiếu DN riêng lẻ có thể sẽ ngày càng thu hẹp lại, chuyển hẳn sang khu vực phát hành sang công chúng. Đó cũng là nơi mà xếp hạng tín nhiệm phát huy được hiệu lực. Khi xếp hạng tín nhiệm phát huy được vai trò của thì mới có tiền đề để xây dựng thị trường thứ cấp. Nếu trái phiếu chỉ phát triển phía phát hành mà chưa phát triển thị trường thứ cấp thì không phải là công cụ vốn dài hạn tốt", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Những nhà phát hành riêng lẻ cũng nên hiểu rằng phát hành trái phiếu DN riêng lẻ là phát hành đẳng cấp thấp.

Cho nên DN cứ bám vào đó sống thì đẳng cấp của DN trên thị trường cũng thấp dần đi cả về nghĩa uy tín đã đành mà còn thấp dần đi cả về chiến lược quản trị. Quản trị một tập đoàn lớn mà chỉ bám vào phát hành riêng lẻ để sống thì là một sai lầm.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính nhận định: "Khi thay đổi chính sách chắc chắn sẽ tác động đến nhà đầu tư mua trái phiếu DN và nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ giảm đi thế nhưng cùng với việc minh bạch thông tin trên thị trường, chuẩn hóa các quy định về phát hành trái phiếu, việc thiết lập thị trường thứ cấp, tôi nghĩ thị trường sẽ thu hút thêm một bộ phận nhà đầu tư mới mà thị trường tài chính hướng đến, đó là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư có tổ chức"

"Khi họ thấy thị trường minh bạch thông tin ở mức độ cao hơn, trái phiếu phát hành thanh khoản hơn, việc tuân thủ quy định của pháp luật tăng lên, những nhà đầu tư đó sẽ dần dần sẽ lựa chọn sản phẩm đầu tư này. Đó là mục tiêu tốt hơn chúng ta sẽ hướng đến, thay vì chỉ tập trung vào các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ để phát hành", ông Nguyễn Hoàng Dương nói.