Thanh khoản dồi dào, vì sao lãi suất cho vay vẫn khó giảm?

Theo Trần Thúy/bizlive.vn

Vấn đề nợ xấu hiện đã được xử lý nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42, tuy nhiên, để giải quyết triệt để thì không phải ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình. Khi chưa thể xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chưa thể giảm lãi suất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tăng trưởng tín dụng 11 tháng đạt 15,3%
Báo cáo mới ra của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho thấy, tín dụng được đẩy nhanh hơn trong tháng 11/2017.
Cụ thể, ước tính đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 15,3% so với đầu năm, (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,6% so với đầu năm).
Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trung dài hạn và tăng tỷ trọng ngắn hạn. Tín dụng trung và dài hạn ước tăng 12,7% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,9%), chiếm 53,8% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%). Tín dụng ngắn hạn ước tăng 18,6% (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,2%), ước tính tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng lên 48,7% (cuối năm 2016 là 44,9%).
Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Trong đó, tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 8,1%. Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng khoảng 15,5% (năm 2016 từ 17,1%).
Trong đó, cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,8% (năm 2016 là 7,0%), vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,7% (năm 2016 là 10,1%).
Tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016.
Trong khi đó, huy động vốn tháng 11/2017 tăng trưởng ổn định nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2016, ước tăng 13,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 16,6%). Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng 12,5%; phát hành giấy tờ có giá ước tăng 38,2% so với cuối năm 2016.
Huy động VND ước tăng 14,7% so với cuối năm 2016, chiếm 90,2% tổng huy động. Huy động ngoại tệ ước tăng 3% so với cuối năm 2016. Huy động vốn có kỳ hạn tăng 14,9%, chiếm 80,8% tổng huy động.
Thanh khoản dồi dào nhưng vẫn khó giảm lãi suất!
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, dù có sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động nhưng nhìn chung, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở mức ổn định. 
Thanh khoản hệ thống được hỗ trợ lớn từ việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng gần 124 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
“Dù có sự “lệch pha” giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động nhưng mức chênh lệch không đáng quan ngại. Trong khi đó, một chỉ số quan trọng đánh giá thanh khoản chính là tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR). 11 tháng, chỉ số LDR bình quân của hệ thống đạt khoảng 86,9%, tăng nhẹ so với mức 85,6% cuối năm 2016 và vẫn trong tầm kiểm soát”, ông Lực cho biết.
Cũng theo chuyên gia, hiện NHNN cũng đang có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo thanh khoản hệ thống, đặc biệt dịp tết lễ cuối năm. Các ngân hàng TMCP cũng đã có các phương án chuẩn bị lượng tiền đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Dù thanh khoản ở mức ổn định, nhưng theo nhận định của chuyên gia, việc giảm lãi suất trong tương lai gần là một điều khó khăn.
Thứ nhất, mặc dù lạm phát trong năm 2017 đã được kiểm soát khá tốt nhưng nếu không cẩn thận thì có thể tăng khá mạnh trong năm 2018 do năm nay cung tiền ra thị trường đã khá lớn, chúng ta cũng đã quyết định tăng một số giá hàng hoá cơ bản, trong đó có giá điện, trong khi năm tới cũng sẽ tiếp tục tăng giá một số mặt hàng khác theo lộ trình đã đưa ra.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, giá cả hàng hoá trên thế giới năm 2017 khá ổn định khi chỉ nhích nhẹ. Tuy nhiên, trong năm tới có thể sẽ tiếp tục tăng do kinh tế thế giới phục hồi khá tốt. Như vậy, giá cả hàng hoá có thể sẽ tác động trở lại lên lạm phát”, TS.Lực nói.
Thứ hai, vấn đề nợ xấu hiện đã được xử lý nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42, tuy nhiên, để giải quyết triệt để thì không phải ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình. Khi chưa thể xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chưa thể giảm lãi suất.
Thứ ba, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2%-2,4%, so với Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8%- 3%.
Thứ tư, nhu cầu vốn của các ngân hàng hiện khá lớn nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20%. Cùng với đó, Thông tư 36 cũng yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung vài dài hạn cũng khiến các nhà băng phải tăng cường huy động vốn. Điều này khiến cho lãi suất đầu vào không thể giảm, kéo theo đó, lãi suất đầu ra cũng không thể giảm.
Trong thời gian gần đây, một số ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất huy động. BIDV là một ví dụ.
Theo biểu lãi suất mới nhất của ngân hàng này, các khoản tiền gửi VNĐ kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng sẽ được áp dùng mức lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Lãi suất áp dụng tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm – tương đương với kỳ hạn 6 tháng trước đây. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 364 ngày trở lên ngân hàng BIDV áp dụng mức lãi suất cào bằng 6,9%/năm.
Hay như tại Vietinbank, dù các kỳ hạn dưới 6 tháng giữ nguyên lãi suất nhưng lãi suất áp cho tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 9 tháng đã tăng từ mức 5,5- 5,7% lên 5,8%/năm; lãi suất áp cho tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm.
Mới đây nhất, Sacombank điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng tăng thêm 0,2%, lên tương ứng 5,3%/năm và 6,2%/năm. Riêng kỳ hạn 9 tháng tăng 0,4% lên 6,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng tăng nhẹ 0,1%, lên 6,9%/năm.
Việc một số ngân hàng tăng lãi suất hoặc tung ra các chương trình khuyến mại cuối năm được người trong cuộc đánh giá là một động thái bình thường. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa, việc giảm lãi suất cho vay trong tương lai gần là điều khó có thể xảy ra.