Thêm cú hích cho thị trường trái phiếu xanh

Bảo Trâm

Việc phát hành lô trái phiếu xanh đầu tiên trong tháng 7/2022 của EVNFinance trở thành cú hích lớn đối với thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam vốn được đánh giá còn khiêm tốn và mới mẻ. Sự kiện này cũng góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tìm đến kênh vốn này nhiều hơn, đảm bảo nguồn vốn cần thiết để thực hiện các dự án hướng tới cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong tháng 7/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành tại thị trường Việt Nam của EVNFinance. Số tiền thu về dự kiến sử dụng để tài trợ các dự án đạt điều kiện nêu trong Khung Trái phiếu xanh của EVNFinance, dựa trên Nguyên tắc Trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA).

FiinRatings đánh giá đây là cú hích lớn đối với thị trường trái phiếu xanh, vốn còn khiêm tốn và mới mẻ. Sự kiện này cũng mở ra tương lai phát triển bền vững của ngành Năng lượng tái tạo của Việt Nam. Quan trọng hơn, việc EVNFinance đi đầu huy động trái phiếu xanh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tìm đến kênh vốn này nhiều hơn, đảm bảo nguồn vốn cần thiết để thực hiện các dự án hướng tới cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Theo nhận định của các chuyên gia FiinRatings, trong thời gian tới, hoạt động trái phiếu xanh sẽ phát triển mạnh, cùng với đó là nhu cầu xác nhận các lô trái phiếu theo tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để có thể đảm bảo việc sử dụng vốn cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện FiinRatings, với vai trò là đơn vị được ủy quyền xác nhận, cũng đang làm việc với một số doanh nghiệp nhằm hỗ trợ họ nhận chứng chỉ trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế của Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (CBI) nhằm hướng tới nguồn vốn dài hạn từ các tổ chức quốc tế với chi phí vốn hợp lý.

Theo bà Nguyễn Thanh Thuỷ, Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), trái phiếu xanh là loại trái phiếu trong đó nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh sẽ chỉ được sử đụng để tài trợ hoặc tái cấp vốn, một phần hoặc toàn bộ, cho các dự án xanh mới và/hoặc có sẵn đủ điều kiện về tiêu chí xanh với 4 thành phần cốt lõi của Bộ Nguyên tắc phát hành và sử dụng nguồn thu từ Trái phiếu xanh (GBP).

Hiện tại, trái phiếu xanh đã được phát hành ở hơn 30 quốc gia, trong đó thị trường lớn nhất là Mỹ, Canada, Pháp, Anh và Trung Quốc, tập trung vào các ngành có liên quan đến giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, giao thông vận tải, năng lượng, tái chế, xây dựng và xử lý nước, rác thải.

Trên thế giới, trái phiếu xanh đang được coi là phương tiện hữu hiệu huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội. Việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á... và được xem là kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh phục hồi hậu COVID-19, rất cần phải chú trọng đến việc xây dựng một nền kinh tế bền vững và bao trùm hơn, có khả năng chống lại tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai. Do đó, trái phiếu xanh sẽ giúp mở ra kênh huy động vốn mới cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo vốn chưa được các sản phẩm tài chính truyền thống đáp ứng đầy đủ.