“Tiếp sức” thị trường, trấn an giới đầu tư chứng khoán thời Covid-19


Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội nước ta, trong đó có thị trường chứng khoán (TTCK). Trên thế giới, nhà đầu tư liên tục bán tháo, trong khi thị trường trong nước cũng có nhiều phiên giảm điểm gây sốc. Trong bối cảnh đó, những giải pháp hỗ trợ thị trường đóng vai trò hết sức quan trọng, nhằm giúp nhà đầu tư ổn định tâm lý, tiếp sức cho thị trường tiếp tục có bước phát triển ổn định, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Viều chỉnh giảm giá một số dịch vụ chứng khoán là hành động hỗ trợ TTCK trong nước và cần thiết tại thời điểm này.
Viều chỉnh giảm giá một số dịch vụ chứng khoán là hành động hỗ trợ TTCK trong nước và cần thiết tại thời điểm này.

Theo các chuyên gia chứng khoán, trong quý I/2020, trước sự lan rộng mức độ chóng mặt của dịch bệnh Covid-19, thị trường tài chính đã chứng kiến diễn biến ảm đảm. Rõ nhất là xu thế TTCK toàn cầu giảm điểm mạnh, dù các nước đã và đang nỗ lực đưa ra các biện pháp kích thích nền kinh tế nhưng vẫn chưa đủ để trấn an giới đầu tư. Tại TTCK trong nước, có thời điểm, chỉ sau 5 phiên giao dịch, vốn hóa TTCK Việt Nam đã “bốc hơi” 26,3 tỷ USD, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 2.100 tỷ đồng…

Trước diễn biến tiêu cực của TTCK, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý giá, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị thuộc Bộ đề xuất các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong đó việc thực hiện điều chỉnh giảm giá một số dịch vụ chứng khoán là hành động hỗ trợ TTCK trong nước và cần thiết tại thời điểm này.

Ngày 17/3/2020, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp giữa các đơn vị có liên quan để thống nhất phương án giảm giá và xây dựng dự thảo Thông tư. Và chỉ một ngày sau, Cục Quản lý giá đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 sửa đổi Thông tư số 127/2018/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Giới chuyên gia và các nhà đầu tư chứng khoán hết sức ngạc nhiên và đánh giá cao động thái quyết liệt, nhanh chóng và hết sức kịp thời của Bộ Tài chính trong việc đồng hành cùng nhà đầu tư, thể hiện nỗ lực hỗ trợ TTCK trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Cụ thể, Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 sửa đổi Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 giảm giá từ 10%-50% đối với 9 dịch vụ, trong đó: Giảm 10% đối với 3 dịch vụ bao gồm: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán. Giảm từ 15%-20% đối với 2 dịch vụ bao gồm: dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh. Giảm từ 30%-50% đối với 4 dịch vụ bao gồm: dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Bên cạnh đó, miễn hoàn toàn đối với 6 dịch vụ bao gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

“Sau khi rà soát các mức giá dịch vụ Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam hiện đang thu trên TTCK cơ sở và TTCK phái sinh, chúng tôi đã đánh giá và thực hiện điều chỉnh các loại giá dịch vụ theo hướng không thu hoặc giảm giá đối với những dịch vụ có phạm vi tác động rộng trên toàn thị trường, các loại giá dịch vụ tác động trực tiếp tới tổ chức phát hành, nhà đầu tư đồng thời cũng xét tới khía cạnh cân đối giữa lợi ích của đối tượng sử dụng dịch vụ và đối tượng cung cấp dịch vụ là 2 Sở Giao dịch Chứng khoán, VSD với tỷ lệ giảm từ 10% đến 100% tùy từng dịch vụ”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết.

Dù việc hỗ trợ giảm giá lần này sẽ áp dụng được sẽ được áp dụng kể từ ngày 19/3/2020 đến 31/8/2020, tức trong hơn 5 tháng, song Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch Covid-19, Bộ sẽ xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư trong trường hợp cần thiết.

Nhiều nhận định cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ chứng khoán là một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được cơ quan quản lý đưa ra và việc có hiệu lực ngay sẽ là điểm sáng cho thị trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay.