Kinh tế Việt Nam ghi dấu ấn tích cực trong mắt cộng đồng quốc tế
Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam với các chỉ số tăng trưởng ấn tượng, dòng vốn FDI mạnh mẽ và cải cách thể chế sâu rộng. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa – du lịch cũng đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng tầm hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Phục hồi mạnh mẽ nhờ hội nhập, cải cách và dòng vốn FDI
Ngân hàng Standard Chartered mới đây đã đưa ra dự báo lạc quan rằng GDP Việt Nam năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng 6,7%. Con số này được xem là khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Nguồn động lực chính đến từ sự hội nhập sâu rộng vào các mạng lưới thương mại quốc tế thông qua nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA), cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) duy trì ổn định.
Standard Chartered cũng đánh giá các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp và nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt 6,2% và 6%, phản ánh nội lực phục hồi vững chắc của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngân hàng này khuyến nghị Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt để thích ứng hiệu quả với các biến động quốc tế, đồng thời ghi nhận khả năng điều hành kinh tế vững vàng của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát.
Tính đến đầu năm 2025, dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã đạt gần 11 tỷ USD – minh chứng cho niềm tin ngày càng lớn từ cộng đồng nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Không chỉ thu hút được dòng vốn mới, Việt Nam còn được đánh giá cao ở khả năng hấp thụ và sử dụng hiệu quả nhờ cải cách thể chế, tinh giản thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đồng bộ.
Cùng với đó, các khoản đầu tư lớn đang đổ vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu và blockchain, biến Việt Nam thành điểm đến tiềm năng của các tập đoàn công nghệ toàn cầu.
Trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tháng 4/2025, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP thực tế của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2025. WB dự đoán triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn khả quan, với ước tính GDP tăng trở lại mức 6,1% năm 2026 và 6,4% năm 2027. Để hiện thực hóa tiềm năng này, Việt Nam cần một môi trường kinh tế quốc tế ổn định hơn, song song với các nỗ lực cải cách trong nước nhằm nâng cao năng suất, đầu tư vào vốn con người và xanh hóa nền kinh tế.
Trước đó, vào đầu tháng 4 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,6% trong năm 2025 và đạt 6,5% vào năm 2026, sau mức tăng mạnh 7,1% trong năm 2024. Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá tăng trưởng thương mại mạnh, phục hồi sản xuất xuất khẩu và dòng vốn FDI tích cực là động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong năm 2025.
Văn hóa – du lịch góp phần nâng cao vị thế quốc gia
Song hành với sự bứt phá về kinh tế, Việt Nam cũng đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành Du lịch và Văn hóa, tạo nên hình ảnh một quốc gia thân thiện, năng động, giàu bản sắc trên trường quốc tế.
Chính sách thị thực linh hoạt hơn, việc mở rộng các đường bay thẳng quốc tế, cùng sự hiện diện của các thương hiệu khách sạn cao cấp đã thúc đẩy lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trở lại. Không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên tươi đẹp, Việt Nam còn thu hút du khách bởi chiều sâu văn hóa và lịch sử được khai thác hiệu quả.
Các địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử như Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Dinh Độc Lập, Nhà tù Hỏa Lò hay Vĩ tuyến 17 trở thành những điểm đến được ưa chuộng. Bên cạnh đó, nền ẩm thực đặc sắc của Việt Nam cũng ngày càng được quảng bá mạnh mẽ ra thế giới, đặc biệt khi nhiều nhà hàng trong nước được vinh danh bởi Michelin Guide.
Hạ tầng du lịch cũng không ngừng được hoàn thiện, với các sân bay quốc tế hiện đại như Long Thành chuẩn bị đi vào hoạt động và mạng lưới giao thông kết nối ngày càng thuận tiện, góp phần tạo nên hành trình trải nghiệm trọn vẹn cho du khách.
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút khách quốc tế ngày càng gay gắt tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang lựa chọn hướng đi khác biệt: Đặt trải nghiệm và cảm xúc của du khách làm trung tâm. Du khách đến Việt Nam không chỉ để tham quan, mà còn để sống trọn vẹn trong những giá trị văn hóa bản địa, kết nối cộng đồng và khám phá chiều sâu bản sắc.