Nghị định số 138/2024/NĐ-CP:

Kịp thời tháo “nút thắt” về thể chế chi đầu tư công và chi thường xuyên

Văn Trường (thực hiện)

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) cho biết, việc ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ là rất kịp thời, nhằm tháo gỡ “nút thắt” về thể chế chi đầu tư công và chi thường xuyên trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn phát sinh tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Thống nhất cách hiểu trong triển khai thực hiện

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về nỗ lực, quyết tâm của Bộ Tài chính trong tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế quản lý tài chính và ngân sách nhà nước (NSNN) khi tham mưu, trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP?

TS. Nguyễn Minh Tân: Theo quy định hiện nay, chi đầu tư xây dựng cơ bản là nhiệm vụ chi của NSNN để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (Khoản 5 Điều 4 Luật NSNN năm 2015).

Chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của NSNN nhằm đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh (Khoản 6, Điều 4, Luật NSNN năm 2015).

Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: Đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước nhằm vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (Khoản 15, Điều 4, Luật Đầu tư công).

TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội.
TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội.

Trong khi đó, việc phân loại dự án đầu tư công (Khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công) quy định: Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án; Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác.

Thực tế hàng năm phát sinh nhiều trường hợp các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đều có nhu cầu cấp bách phải sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình để phát huy hiệu quả sử dụng, khắc phục tình trạng xuống cấp. Tuy nhiên, việc này lại chưa được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong khi yêu cầu về vốn nhỏ, có thể cân đối nguồn trong dự toán chi thường xuyên để thực hiện.

Đối chiếu theo quy định pháp luật về NSNN và Đầu tư công, có nhiều cách hiểu khác nhau về chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong khi đó, hoạt động mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình, hạng mục phụ trợ có giá trị nhỏ là các hoạt động phát sinh thường xuyên, rất nhiều và đa dạng, thường không lường trước được, khó kế hoạch hóa theo giai đoạn 5 năm và có quy mô kinh phí nhỏ hoặc thậm chí rất nhỏ (như: xây dựng bờ tường rào, nhà vệ sinh, bốt bảo vệ...).

Việc quy định các hoạt động trên phải sử dụng vốn đầu tư công (theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm) sẽ không sát với tình hình thực tế, không kịp thời, ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị, quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ công của Nhà nước và Nhân dân.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công quy định về đối tượng đầu tư công rất rộng, bao trùm nội dung đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…; đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội. Vốn chuẩn bị đầu tư phải được cấp có thẩm quyền giao trong kế hoạch trung hạn và hàng năm từ nguồn chi đầu tư phát triển, ảnh hưởng đến tiến độ, tính sẵn sàng trong triển khai dự án...

Trên thực tế, còn nhiều cách hiểu khác nhau về nguồn kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư thực hiện nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc; đã không phân định rõ ràng ranh giới việc sử dụng chi thường xuyên và chi đầu tư  để thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị, xây dựng mới, sửa chữa trụ sở... Do đó, cần thiết phải có văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền giải thích quy định pháp luật để thống nhất cách hiểu trong triển khai thực hiện.

“Điểm tỳ” pháp luật để triển khai trong thực tiễn

Phóng viên: Những “nút thắt” trong chi thường xuyên và chi đầu tư kéo dài nhiều năm vừa được “gỡ bỏ” tại Nghị định số 138/2024/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc thực thi Nghị định này trong thực tiễn sẽ tác động thế nào đến công tác quản lý, điều hành NSNN tại các cơ quan trung ương, địa phương, thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Tân: Theo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Chính phủ, thì việc ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương bố trí đủ kinh phí từ NSNN (bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên), để thực hiện kịp thời công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư công, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án...

Thảo luận về đánh giá tác động này tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật NSNN trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thu hẹp phạm vi sử dụng chi thường xuyên theo hướng: Chi NSNN (bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên) cho chi phí lập, thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Tôi cho rằng, cần thiết phải có căn cứ pháp lý, “điểm tỳ” pháp luật để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm thống nhất trong cách hiểu và thống nhất với quy định pháp luật về đầu tư công. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi đầu tư, chi thường xuyên áp dụng cho mỗi thời kỳ ổn định ngân sách tại Nghị quyết 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 và Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí phân bổ NSNN.

“Linh hồn” của chính sách thể hiện trong quy định pháp luật

Phóng viên: Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về công tác lập pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tinh thần phải đổi mới quy trình xây dựng thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ… Theo quan điểm của ông, tinh thần này được thể hiện như thế nào trong Nghị định số 138/2024/NĐ-CP?

TS. Nguyễn Minh Tân: Cải cách thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược đã được chỉ ra trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và tiếp tục được cụ thể hóa tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chỉ rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung các luật phải bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện.

Những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.

Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về công tác lập pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu: Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành; không luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ…

Với tinh thần đó, tôi cho rằng, việc ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP của Chính phủ là rất kịp thời nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế chi đầu tư công và chi thường xuyên trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn phát sinh tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Phóng viên: Nhiều ý kiến đánh giá cao nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế thông qua Nghị định số 138/2024/NĐ-CP. Vậy, bài học nào rút ra cho quyết tâm tháo gỡ các “nút thắt” thể chế giúp Đất nước phát triển, thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Tân: Xây dựng và hoàn hiện thể chế là vấn đề phức tạp, khó khăn. Bài học rút ra là phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các bộ, cơ quan làm chính sách; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng của chính sách sau ban hành, bảo đảm có sự thống nhất trong nhận thức và trong triển khai thực hiện.

Điều quan trọng là phải thường xuyên rà soát về tính khả thi để điều chỉnh kịp thời những vấn đề bất cập, mâu thuẫn, xung đột pháp luật giữa các quy định trong từng điều, khoản cụ thể của các luật đã ban hành.

Bởi lẽ, “linh hồn” của chính sách được thể hiện trong quy định pháp luật, nhất là các chính sách mới cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, không nên vội vàng, không để xảy ra tình trạng sửa đổi, bổ sung quá nhiều, gây lãng phí, tốn kém hoặc gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước, gây phiền hà do thủ tục hành chính và bất lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Với mỗi chính sách mới cần phải đánh giá tác động đầy đủ, dự liệu tình huống phát sinh và minh chứng được tính khả thi khi áp dụng chính sách trong thực tiễn cuộc sống.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!