Gỡ vướng cho thực hiện quy định về quy hoạch hậu sắp xếp đơn vị hành chính

Kỳ 2: Cần thiết có giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Hữu Hòe

Theo Bộ Tài chính, việc Chính phủ ban hành một số giải pháp tiếp tục triển khai công tác quy hoạch gắn với sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian chưa ban hành Luật Quy hoạch (sửa đổi) là cần thiết và cấp bách.

Thực tiễn vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đang bộc lộ vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch. Việc tìm hướng khả thi, nhằm sớm tháo gỡ hiện trạng này có vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm nay và đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tới.

Để gỡ vướng cho thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, thời gian qua, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, để đề xuất nhiều giải pháp.  
Để gỡ vướng cho thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch, thời gian qua, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, để đề xuất nhiều giải pháp.  

Theo Bộ Tài chính, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 15436-CV/VPTW ngày 16/6/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, Chính phủ đã có Báo cáo số 602/BC-CP ngày 26/6/2025 gửi Quốc hội xem xét đưa một số vấn đề cấp bách cần quyết định ngay vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tiếp đó, ngày 27/6/2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 227/2025/QH15. Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhằm tiếp tục triển khai công tác quy hoạch.

Đồng thời, Nghị quyết số 227/2025/QH15 giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thầm quyền ban hành. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong thời gian cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch, thì được phép áp dụng các quy định tại Nghị quyết số 206/2025/QH15 ngày 24/6/2025 của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật cho đến khi có quy định mới của pháp luật về quy hoạch.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 4, Nghị quyết số 206/2025/QH15 quy định, trong thời gian luật, nghị quyết của Quốc hội chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế, Chính phủ được ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để điều chinh một số quy định của luật, nghị quyết do Chính phủ trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại phiên họp, kỳ họp gần nhất.

Do đó, theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị quyết để giải quyết yêu cầu cấp bách của thực tiễn và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, trong lúc chưa kịp trình Quốc hội xem xét, sửa đổi tổng thể Luật Quy hoạch là có cơ sở pháp lý.

Để cụ thể hóa ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 15902- CV/VPTW ngày 06/7/2025 và Văn bản số 16014-CV/VPTW ngày 12/7/2025, việc Chính phủ ban hành một số giải pháp tiếp tục triển khai công tác quy hoạch gắn với sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian chưa ban hành Luật Quy hoạch (sửa đổi), nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn, bảo đảm không làm gián đoạn hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là cần thiết và cấp bách.

Tính chất cấp bách phải khẩn trương có giải pháp tiếp tục triển khai công tác quy hoạch gắn với sắp xếp đơn vị hành chính lại càng khẩn thiết hơn, qua phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây.

Cụ thể, liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung một số Nghị quyết, kết luận của Trung ương để tạo cơ sở chính trị cho mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XIII vừa kết thúc, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, đối với lĩnh vực quy hoạch: Cần tháo gỡ chồng chéo giữa các quy hoạch ngành, vùng, địa phương; đưa ra những giải pháp phù hợp tạo cơ sở cho việc thực hiện quy hoạch không gian phát triển hài hòa, tương hỗ, tạo động năng giữa quy hoạch quốc gia, vùng và địa phương.

“Việc đều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết và cấp bách. Việc điều chỉnh quy hoạch quốc gia phải đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với định hướng tổ chức không gian kinh tế-xã hội sau sắp xếp đơn vị hành chính.”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.