Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bàn thảo những nội dung quan trọng
Từ ngày 22/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bắt đầu chương trình làm việc, dự kiến kéo dài tới ngày 21/6. Quốc hội sẽ bàn thảo những nội dung quan trọng như: Xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 nghị quyết, quyết đáp liên quan đến tháo gỡ những vướng mắc về thể chế kinh tế để ổn định kinh tế vĩ mô, các mục tiêu tăng trưởng...
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Các dự án Luật được xem xét tại kỳ họp này đều là những văn bản quan trọng, được cử tri và xã hội quan tâm. Một số dự án liên quan đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành kinh tế - xã hội. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, 13 dự án luật đã được chỉnh lý hoàn thiện, đáp ứng đủ các điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Trong lĩnh vực giám sát, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; Thảo luận và thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018; nghe Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ tăng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lên ba ngày. Bên cạnh đó, các báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu.
Cụ thể, Báo cáo nêu rõ những kết quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua như: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng cường quản lý chống thất thu, nợ đọng thuế; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI; Số lượng các doanh nghiệp đăng ký mới; Rà soát hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển du lịch, cấp thị thực điện tử, thu hút du khách quốc tế...
Trình bày một loạt các giải pháp căn cơ trong thời gian tới về cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp... Báo cáo nhấn mạnh Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và giải quyết nợ xấu, báo cáo nhấn mạnh những kết quả đã đạt được ban đầu. Chỉ rõ những khó khăn, tồn tại, báo cáo cho biết, Chính phủ kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, gắn với xử lý nợ xâu...
Về cơ cấu lại DNNN, xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém, báo cáo cho biết, đầu năm 2017, tình hình cơ cấu lại DNNN, thoái vốn còn chậm. Thủ tướng Chính phủ đã lập Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém, có giải pháp cụ thể xử lý từng dự án, đến nay một số dự án đã có chuyển biến...