Kỳ vọng bứt phá của doanh nghiệp dịch vụ và du lịch
Sự hỗ trợ của những chính sách thúc đẩy tiêu dùng và du lịch dự kiến được xem xét, thông qua trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV được kỳ vọng tạo tăng trưởng các doanh nghiệp trong ngành.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội xem xét, quyết định một số chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng, du lịch như chính sách giảm thuế VAT; nâng thời hạn visa điện tử và mở rộng cấp thị thực điện tử… Đây là những chính sách được nhiều doanh nghiệp trong ngành mong chờ và được đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế đánh giá là đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng cho các lĩnh vực trên và cả nền kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số trụ cột tăng trưởng suy giảm như xuất khẩu thì dịch vụ, du lịch được đánh giá là điểm sáng với tốc độ phục hồi khá tích cực. Từ đầu năm đến nay, doanh số bán lẻ ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm trước. Còn du lịch đang bứt phá kéo theo sự tăng trưởng của một số dịch vụ liên quan như lưu trú, ăn uống, vận chuyển…
4 tháng đầu năm 2023, du lịch Việt Nam đón gần 3,7 triệu khách quốc tế. Con số này được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là sự tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, kỳ nghỉ lễ dài ngày cuối tháng 4, ngành du lịch thu hút hơn 300.000 lượt khách quốc tế và 7 triệu lượt khách nội địa, tăng 40% và tổng số thu từ khách du lịch tăng 9% so với cùng kỳ.
Trước mắt ngành du lịch bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa, được dự báo có mức tăng trưởng tốt sẽ là động lực kéo theo tăng trưởng của các ngành dịch vụ liên quan, nhất là khi giá cả hàng hóa đã kìm được mức tăng, lạm phát toàn phần tháng 4 giảm 0,3% so với tháng trước, giúp lạm phát cùng kỳ năm dưới mức 3%.
Trong những tháng cuối năm, tín hiệu cho phục hồi tiêu dùng và dịch vụ du lịch sẽ khả quan khi chính sách giảm thuế VAT có hiệu lực hay các kiến nghị liên quan đến việc kéo dài thị thực điện tử, mở rộng diện cấp thị thực vốn được xem là gây khó cho thu hút khách quốc tế được xem xét điều chỉnh.
Trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, trong bối cảnh này, giảm thuế VAT giúp giảm giá bán hàng hoá, kích thích tiêu dùng, kích thích tổng cầu từ đó kích thích sản xuất tại chỗ và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Còn đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng nên cân nhắc giảm thêm thuế VAT bởi hiện nay nền kinh tế đã tiệm cận suy thoái, thị trường cần những chính sách kích cầu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nếu doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng, thu nhập cá nhân tăng lên, từ đó cũng thu thêm thuế cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong triển vọng phục hồi và tăng trưởng của ngành dịch vụ, tiêu dùng không phải ngành hàng nào cũng là điểm sáng. Kinh tế khó khăn đang điều chỉnh hành vi mua sắm của người dân theo hướng cắt giảm các mặt hàng không thiết yếu hoặc thay đổi xu hướng mua sắm: lựa chọn sản phẩm nhiều tiện ích, thực dụng, giá cả hợp lý là sản phẩm cao cấp, thời thượng; lựa chọn mặt hàng thiết yếu tương tự có giá thấp hơn, sản phẩm được khuyến mại…
Bên cạnh đó, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, dù dịch vụ là điểm sáng nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại và thương mại còn yếu. Trong nửa cuối năm nay, thách thức này có thể được hoá giải nhờ một loạt các hỗ trợ chính sách có hiệu lực. Bên cạnh việc giảm thuế VAT, mở rộng cấp thị thực là các chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội, khả năng tái cấu trúc một số khoản vay, hỗ trợ đối với ngành bất động sản và các ngành sản xuất… tạo sự chuyển hướng tích cực cho thương mại dịch vụ.