Kỳ vọng mới cho xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Với “làn gió mới” từ việc đắc cử Tổng thống Mỹ của tỷ phú Donald Trump, hy vọng xuất khẩu vào thị trường chủ lực Mỹ sẽ bớt đi những rào cản để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong tương lai, với những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, nhất là nông lâm thủy sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo nhận định của Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2016, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng xuất khẩu vào thị trường này đạt 15%, chiếm tỷ trọng 22% trong tổng kim ngạch 144,1 tỷ USD của cả nước trong 10 tháng qua.

Tăng trưởng về nhu cầu

Theo nhận định gần đây của chuyên gia kinh tế Trinh Nguyễn của ngân hàng đầu tư Pháp - Natixis, Mỹ đang là một trong vài thị trường còn có tăng trưởng về nhu cầu hiện nay. Trước đây, quốc gia này là động lực chính cho tăng trưởng tại châu Á nhưng bị Trung Quốc vượt qua, nay Mỹ đã trở lại.

Việc đồng USD mạnh lên trong thời gian qua khiến hàng hóa từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á vào Mỹ rẻ hơn, trong khi nhu cầu nội địa tại thị trường Mỹ cũng tăng trưởng khá tốt và thu hút nhiều nhà
xuất khẩu  từ các nước khác.

Các nhóm ngành hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ gần đây gồm: dệt may; điện thoại; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…

Trong dệt may có vẻ sụt giảm kim ngạch thì mặt hàng đồ gỗ vào thị trường Mỹ được cho là đang có đà tăng trưởng tốt. Theo nhận định, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch hằng năm lên tới trên 2 tỷ USD, chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam.

Tính riêng trong 8 tháng đầu 2016, xuất đồ gỗ Việt Nam vào thị trường Mỹ đã đạt kim ngạch hơn 1,75 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, riêng năm 2015 đã đạt 2,3 tỷ USD.

Mặc dù vậy, theo TS. Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong một cuộc khảo sát gần đây với 39 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ thì phát hiện chỉ có 1/3 số doanh nghiệp là đạt tiêu chuẩn về kiểm soát xuất xứ nguyên liệu, còn lại hầu như không có những chứng chỉ theo quy định.

Rõ ràng việc nhận thức nắm bắt các quy chuẩn ở thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ Việt vào thị trường này còn nhiều hạn chế. Nhất là có đến 11 doanh nghiệp hoàn toàn không biết các quy định nào hết về những chứng chỉ có tính chất thương hiệu hoặc những chứng chỉ bắt buộc.

Điều này được cho là rào cản, nếu các doanh nghiệp Việt muốn mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ trong tương lai khi TPP có hiệu lực. Bởi vì chỉ tính riêng mua sắm công các loại nội thất, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang ở Mỹ hàng năm vào khoảng 10 - 12 tỷ USD. Đây cũng là một kênh tiêu thụ hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các nước chưa có quan hệ FTA với Mỹ.

Phải bảo đảm tiêu chuẩn

Mỹ cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng là 4 thị trường tiêu thụ hàng đầu các loại thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016, chiếm trên 54% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Đơn cử như xuất khẩu tôm, kể từ tháng 4/2016, xuất khẩu tôm sang Mỹ liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước đó.

Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt 520,2 triệu USD (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016).

Hiện nay, Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng nhập khẩu tôm từ Việt Nam do nhu cầu thị trường này tăng trong khi các nguồn cung khác cho Mỹ như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan đều gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu dẫn tới giá xuất khẩu tăng.

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản vào Mỹ cũng như tháo gỡ các rào cản, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát và vận động Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn, cũng như xúc tiến mạnh rau quả vào thị trường này, nhất là hai loại trái cây được ưa chuộng tại Mỹ là xoài, vú sữa.

Trong nhóm nông sản, khả quan nhất phải kể đến xuất khẩu tiêu. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 25% tổng lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, với giá trị tăng mạnh nhất so với các thị trường khác.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu tiêu của Việt Nam vào thị trường này đã tăng 54% về lượng (lên 34,2 triệu tấn) và tăng 37% về giá trị (lên 296 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Dành lời khuyên cho xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ, theo một chuyên gia cấp cao trong ngành nông nghiệp Mỹ, để đưa hàng hóa có thương hiệu (không phải hàng gia công) của Việt Nam vào thị trường Mỹ là không dễ. Nông sản xuất sang Mỹ phải bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, chất lượng, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm phải có số lượng, chất lượng ổn định, kích cỡ đồng đều, đẹp mắt.

Muốn vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam phải kiểm soát được các khâu từ giống, vùng trồng, thu hoạch cho đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không đạt phải mạnh tay hủy lô hàng, thậm chí là để nông dân chứng kiến, nhằm giúp họ tiếp cận với cách làm ăn, quan hệ thương mại trong hội nhập. Khi đã xác định sản phẩm xuất khẩu thì doanh  nghiệp phải đăng ký thương hiệu ngay để các cơ quan quản lý của Mỹ cấp chứng nhận.